Hàng loạt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mở rộng nhà máy tại Bình Dương để tăng vốn dự án lên hàng tỷ USD.
Tháng 2/2023, Lotte đã khánh thành nhà máy sản xuất các sản phẩm bánh Choco Pie – đây là nhà máy thứ hai của Lotte tại Bình Dương. |
Hàng loạt “ông lớn” mở rộng đầu tư
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt tập đoàn lớn công bố sẽ rót thêm hàng triệu USD để mở rộng nhà máy tại Bình Dương. Số liệu của Cục Thống kê Bình Dương cho thấy, từ ngày 1/6 đến 15/6/2023, tỉnh đã thu hút 58,2 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 65,7% so với cùng kỳ. Trong đó, 7 dự án điều chỉnh vốn (cao gấp 7 lần so với cùng kỳ), với tổng vốn tăng thêm 24,9 triệu USD (cao gấp 8 lần so với cùng kỳ).
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương hôm 21/6, đại diện Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Tập đoàn Far Eastern) cho biết, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm hơn 250 triệu USD ngay trong quý III/2023 để mở rộng dây chuyền sản xuất các sản phẩm sợi siêu bền ứng dụng trong sản xuất dây an toàn, túi khí, lớp bố trong lốp xe…
Đây là lần thứ hai Far Eastern tăng vốn để mở rộng nhà máy tại Bình Dương. Hiện tổng vốn mà Tập đoàn đầu tư vào tỉnh này tăng lên hơn 1 tỷ USD – thuộc top đầu các dự án tỷ USD tại Bình Dương.
Cũng trong tháng 6/2023, lãnh đạo Tập đoàn Cheng Loong đã làm việc với tỉnh Bình Dương để chuẩn bị thực hiện mở rộng nhà máy sản xuất (giai đoạn II). Một tên tuổi lớn nữa đã đầu tư 2 nhà máy ở Bình Dương là Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) Việt Nam mới đây cũng thông báo sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại Bến Cát (Bình Dương).
Trước đó, tháng 3/2023, Bình Dương đã trao giấy phép tăng vốn đầu tư 300 triệu USD cho liên doanh giữa Tổng công ty Becamex và Quỹ đầu tư Warburg Pingcus (Hoa Kỳ) để thực hiện các dự án bất động sản công nghiệp. Một dự án khác cũng được cấp phép tăng vốn là Dự án sản xuất bóng đèn pha, đèn neon, đèn trang trí… của nhà đầu tư Licona Corporation, có vốn đầu tư 48 triệu USD, được cấp phép tăng vốn thêm 10 triệu USD.
Bên cạnh các dự án cam kết tăng vốn đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, một số dự án tăng vốn đã hoàn thành nhà máy, đưa vào khai thác. Mới đây nhất, ngày 26/6, Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) đã khánh thành nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP 1 để sản xuất các sản phẩm, bán thành phẩm điện tử, cơ điện và xuất khẩu. Với lần tăng vốn này, Tập đoàn nâng vốn đầu tư tại Bình Dương lên 15 triệu USD.
Đầu năm nay, Lotte đã khánh thành nhà máy sản xuất các sản phẩm bánh Choco Pie – đây là nhà máy thứ hai của Lotte tại Bình Dương. Một số tập đoàn điện tử lớn như Sharp đang xem xét mở rộng đầu tư thêm 1 nhà máy quy mô lớn tại Bình Dương để sản xuất các linh kiện điện tử công nghệ cao.
Hướng đến sản xuất xanh, phát triển bền vững
Có một điểm chung đáng chú ý là các dự án đầu tư mở rộng nhà máy tại Bình Dương đều được nhà đầu tư cam kết hướng đến sản xuất “xanh”, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Điều này cũng phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới là thu hút đầu tư ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới đây, ông Yeh Ming Yuh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) cam kết, khi đầu tư mở rộng nhà máy, sẽ hướng đến chuyển đổi sang sản xuất xanh, phát triển bền vững, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng một nhà máy năng lượng điện mặt trời để cung cấp điện cho sản xuất.
Tập đoàn LEGO và Tập đoàn Pandora của Đan Mạch đều cam kết sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất. Nhà máy thứ 2 của Lotte khánh thành mới đây cũng đầu tư hệ thống phát điện bằng năng lượng mặt trời và giảm thiểu nguyên liệu nhựa tại nhà máy sản xuất kẹo cao su.
Bên cạnh sự đầu tư của doanh nghiệp, Bình Dương đang tiến hành chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang các khu công nghiệp “xanh”, thông minh. Từ tháng 2/2023 đến nay, Becamex cùng với Ngân hàng Thế giới và Tư vấn kỹ thuật KPMG đã nghiên cứu tiền khả thi Khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Bàu Bàng trở thành khu công nghiệp sinh thái…