Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn đến hết năm 2025.
DOANH THU CÔNG TY MẸ TĂNG 14%/NĂM
Mục tiêu của Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 nhằm tiếp tục đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động, đảm bảo phát triển tổng công ty bền vững và từng bước hiện đại.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, toàn tổng công ty hợp nhất có giá trị sản lượng và doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 7-8%, đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động.
“Công ty mẹ – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 14%”, đề án nêu rõ.
Theo đề án được phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có các ngành, nghề kinh doanh theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNR và các ngành, nghề kinh doanh khác theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, các ngành, nghề kinh doanh chính gồm: kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt); quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (bảo trì, sửa chữa, cung cấp dịch vụ liên quan đến công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt).
Cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, liên vận quốc tế và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.
Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển (cho thuê đầu máy, toa xe, dịch vụ cung cấp sức kéo đường sắt; máy móc, thiết bị thực hiện việc bảo trì, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt).
Sản xuất động cơ, tuabin (tư vấn thiết kế, chế tạo, đóng mới, lắp ráp, hoán cải, sửa chữa, khôi phục vật tư phụ tùng; xuất nhập khẩu, mua bán, cung cấp các phương tiện, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên ngành đường sắt phục vụ vận tải đường sắt, bảo trì, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và các sản phẩm cơ khí).
Sản xuất đầu máy xe lửa, xe điện và toa xe; tái chế phế liệu; xây dựng công trình đường sắt, đường bộ. Cùng với đó, kinh doanh vận tải đường sắt, đường bộ và vận tải đường ống; vận tải đa phương thức trong nước, liên vận quốc tế;
Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính gồm: hoạt động kiến trúc; kiểm tra và phân tích kỹ thuật (tư vấn đầu tư xây dựng, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công nghiệp và dân dụng); hoạt động xây dựng chuyên dụng (lắp đặt, sửa chữa các hệ thống chiếu sáng và hệ thống tín hiệu trên đường sắt).
LỘ TRÌNH THOÁI VỐN, CƠ CẤU LẠI VNR
Về kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại công ty mẹ, các đơn vị thành viên của VNR giai đoạn đến hết năm 2025, đề án nêu rõ duy trì công ty mẹ – VNR là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Giữ nguyên mô hình tổ chức của Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt; các chi nhánh khai thác đường sắt, các chi nhánh xí nghiệp đầu máy và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc công ty mẹ – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như sau: Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt; 12 Chi nhánh Khai thác đường sắt: Hà Nội, Lào Cai, Hà Lào, Hà Lạng, Hà Thái Hải, Hà Thanh, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Sài Gòn và Chi nhánh ga Đồng Đăng.
Về lộ trình thực hiện, đẩy mạnh công tác thoái vốn tại 13 công ty cổ phần khi đề án được phê duyệt. Thực hiện xong việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành 01 Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt hoàn thành trong năm 2024.
Cùng với đó là 03 Chi nhánh Xí nghiệp đầu máy: Hà Nội, Vinh, Sài Gòn; 03 Đơn vị sự nghiệp: Trường Cao đẳng Đường sắt, Trung tâm Y tế Đường sắt, Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 1.
“Thành lập mới Trung tâm Nghiên cứu – ứng dụng và phát triển Đường sắt là đơn vị phụ thuộc công ty mẹ – VNR”, đề án nêu rõ.
Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng và phát triển Đường sắt sau khi Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ được phê duyệt.
Với các doanh nghiệp do công ty mẹ – VNR duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An; Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm; 15 Công ty cổ phần Đường sắt: Yên Lào, Vĩnh Phú, Hà Lạng, Hà Thái, Hà Hải, Hà Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Bình Trị Thiên, Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Sài Gòn. 05 Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu Đường sắt: Bắc Giang, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn; Công ty cổ phần Đá Đồng Mỏ.
Các doanh nghiệp công ty mẹ – VNR thoái toàn bộ phần vốn góp gồm: Công ty cổ phần Dịch vụ đường sắt khu vực 1; Công ty cổ phần Hải Vân Nam; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1; Công ty cổ phần Viễn thông – tín hiệu đường sắt; Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh thống nhất; Công ty cổ phần Xây dựng công trình Đà Nẵng; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải; Công ty cổ phần Công trình 6; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 3; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư & xây dựng Đường sắt; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Đường sắt; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông vận tải; Công ty cổ phần In đường sắt Sài Gòn.
Cũng tại đề án, đến năm 2025 sẽ duy trì tỷ lệ phần vốn góp của công ty mẹ – VNR nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống tại: Công ty cổ phần Đá Mỹ Trang, Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty cổ phần Mặt trời – Đường sắt Việt Nam.
Ngoài ra, sắp xếp đối với Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn: thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo tại văn bản số 303/TTg-ĐMDN ngày 07/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.