Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng” ngày 9/7, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.
Theo đó, trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.
Kịch bản 1: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như đề ra trong nửa đầu năm 2024.
Kịch bản 2: Tích cực hơn, CIEM dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Lý giải về kịch bản 2 (GDP cao trong khi CPI lại thấp hơn so với kịch bản 1), ông Nguyễn Anh Dương cho biết kịch bản 2 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn như tăng trưởng toàn cầu phục hồi nhanh; nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; và đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu…
“Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý 2/2024 giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần điều chỉnh chỉ số CPI giảm trong quý 2/2024 cũng như thời gian sắp tới”, ông Dương nhận định.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Anh Dương, kịch bản này cũng giả thiết Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng (kể cả chất lượng tín dụng), cải thiện môi trường kinh doanh…
Về dư địa tăng trưởng trong dài hạn, CIEM cho rằng Việt Nam có thể phát triển tài chính xanh, phát triển kinh tế ban đêm ở một số đô thị lớn ở Việt Nam… Tuy nhiên để khai thác được tiềm năng này cần tháo gỡ một số hạn chế hiện nay.
Đơn cử như đối với tài chính xanh, hạn chế là chưa có tiêu chí đánh giá chính thức, chưa hoàn thiện quy định pháp lý, rủi ro liên quan đến cấp vốn… Hay đối với kinh tế ban đêm, vướng mắc hiện nay là chưa tạo thêm nhiều sản phẩm để khách du lịch bỏ tiền, chưa tạo được “hiệu ứng” kinh tế ban đêm hấp dẫn…
Trong nửa cuối năm 2024, các chuyên gia của CIEM cho rằng Việt Nam cũng phải lưu tâm, xử lý một số vấn đề, khó khăn.
Thứ nhất, áp lực lạm phát còn lớn. Đáng lưu ý, tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát “chi phí đẩy” nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ. Bên cạnh đó, rủi ro gia tăng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – kèm theo đó là khả năng lạm phát gia tăng ở Mỹ và FED có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao – cần phải được xem xét cẩn trọng.
Thứ hai, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chậm được cải thiện, qua đó ảnh hưởng đến khả năng đóng góp và hưởng lợi từ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các xu hướng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) còn tương đối hạn chế.
Thứ tư, quá trình cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh còn chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng, qua đó có thể ảnh hưởng đến khả năng tận dụng cơ hội kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp.