Sáng 19/2 tại Hội trường, Quốc hội đã bấm nút thông qua “Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”. Tại Nghị Quyết, Quốc hội tán thành 10 cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và đã được các đại biểu góp ý, điều chỉnh.
Theo nghị quyết, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được phép triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã thực hiện để ký kết Hiệp định liên Chính phủ/thoả thuận về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu nhà nước để tài trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam; hoặc Hiệp định/thoả thuận với đối tác khác, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.

Với 459/460 số đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 96,03% số đại biểu tham dự, Quốc hội chính thức thông qua các cơ chế đặc thù đối với dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (Ảnh: NT).
Về lựa chọn nhà thầu, Nghị quyết cho phép Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Cùng với đó, cho phép áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và triển khai lựa chọn nhà thầu ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.
Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính nêu trên với nhà thầu được nêu tên trong Hiệp định liên Chính phủ theo quy trình chỉ định thầu rút gọn; áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu Tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án.
Đồng thời, cho phép đàm phán trực tiếp/chỉ định thầu rút gọn với đối tác để mua nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy. Chỉ định thầu/lựa chọn Nhà thầu trong trường hợp đặc biệt/chỉ định thầu rút gọn để thẩm định công nghệ, các báo cáo về môi trường, an toàn, an ninh, cũng như kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Về trình tự thực hiện, Quốc hội cho phép thực hiện ngay các công việc trước khi phê duyệt dự án đầu tư. Đơn cử, chủ đầu tư và đối tác thực hiện khảo sát, rà soát, cập nhật, hoàn thiện hồ sơ lập dự án đầu tư, hồ sơ phê duyệt địa điểm và các báo cáo chuyên ngành song song với quá trình đàm phán Hiệp định liên Chính phủ và đàm phán hợp đồng chìa khóa trao tay…
Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, Nghị quyết cho phép áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện đề xuất áp dụng phù hợp với dự án điện hạt nhân mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về quy định áp dụng định mức, đơn giá, Quốc hội cho phép áp dụng các định mức, đơn giá trên cơ sở đàm phán với đối tác thực hiện dự án.

Quốc hội chốt ban hành thí điểm 10 chính sách đặc thù tạo hàng loạt cơ chế để triển khai nhanh điện hạt nhân Ninh Thuận (Ảnh minh hoạ).
Về thủ tục trình, duyệt của đại diện chủ sở hữu, Nghị quyết của Quốc hội cho phép chủ đầu tư miễn thủ tục báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 và điểm b, khoản 3, Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Quốc hội cho phép đa dạng hóa nguồn vốn, từ vốn vay Chính phủ, phát hành trái phiếu, sử dụng ngân sách Nhà nước, đến các nguồn hợp pháp khác.
Nghị quyết cho phép tiến hành đàm phán vay vốn Chính phủ với các đối tác, đồng thời chủ đầu tư được phép vay lại mà không chịu rủi ro tín dụng.
Dự án cũng dự kiến dùng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo đủ vốn đối ứng. Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ được bố trí cho công tác di dân, tái định cư.
Nghị quyết của Quốc hội cho phép miễn thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các hạng mục liên quan đến Dự án và các dự án thành phần.
Về công tác lập đánh giá tác động môi trường, UBTVQH khẳng định: Việc tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án này là vấn đề nhạy cảm. Nếu chỉ quy định áp dụng hình thức lấy ý kiến trực tuyến trong quá trình đánh giá tác động môi trường có thể làm hạn chế sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là khu vực không có điều kiện tiếp cận internet, không lường hết được các tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe con người và chưa đáp ứng yêu cầu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Hơn nữa, theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện nhiệm vụ này là không quá dài. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Nghị quyết đã bỏ quy định này, như vậy công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần tuân thủ đúng và đầy đủ pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, Quốc hội cho phép hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời, được vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Ngân sách Nhà nước sẽ phân bổ thêm 40% số chi tính theo quy định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đề xuất cho phép áp dụng chỉ định thầu tư vấn, thi công các gói thầu dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân…
Báo cáo tiếp thu giải trình vấn đề này, sáng 19/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận rất khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi tỉnh có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, nguồn lực rất hạn chế để triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Vì vậy, việc hỗ trợ thêm nguồn thu cho tỉnh Ninh Thuận trong thời gian này là hết sức cần thiết để vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương vừa tạo điều kiện phát triển hạ tầng tạo thuận lợi để phục vụ triển khai đầu tư xây dựng Dự án, trong đó có việc bồi thường, thu hồi đất, tái định cư và an sinh xã hội trong giai đoạn trước mắt. Các chính sách cụ thể, dài hạn sẽ giao Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành.