Sáng nay, 19/2 tại Hội trường Diên Hồng, phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về bổ sung mục tiêu phát triển KTXH năm 2025 với tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Với 463/464 số đại biểu tham gia tán thành, chiếm 96,86%, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết.
Chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới
Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh, năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau
Quốc hội thống nhất mục tiêu tăng trưởng cao, quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%/năm.

Với 96,86% số đại biểu tán thành, Quốc hội phê chuẩn tăng trưởng năm 2025 trên 8%
Nghị quyết yêu cầu toàn hệ thống chính trị cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia.
Về đầu tư công, Quốc hội đồng ý bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.
Triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động, bổ sung nguồn lực cho phát triển.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 – 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Chính phủ xác định năm 2025 là bản lề, tăng tốc, bứt phá để năm 2026 đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới (Ảnh: QH.VN).
Khoa học công nghệ là chìa khoá, đột phá cho phát triển
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao, Chính phủ xác định năm 2025, triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.
Nghị quyết của Quốc hội thống nhất quan điểm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.
Nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin – cho”, đầu tư công dàn trải (Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 – 2030 bảo đảm không quá 3.000 dự án).
“Tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế”, Nghị quyết nêu.
Nghị quyết yêu cầu điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
“Sớm hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ. Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới. Chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành”, nội dung Nghị quyết nêu.
Quốc hội yêu cầu triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới. Rà soát, có ngay các giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững…
Tại Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu quyết liệt thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như AI, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học, năng lượng nguyên tử, vật liệu tiên tiến, robot và tự động hóa, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao,…; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và bảo đảm nguồn lực tài chính cho giáo dục, đào tạo; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư nguồn lực, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế gắn với thúc đẩy thương mại, thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Đẩy mạnh thương mại hóa 5G; nghiên cứu công nghệ 6G; phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Nghị quyết yêu cầu nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự hình thành, hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số, tạo thêm nhiều “việc làm số”. Tận dụng hiệu quả các cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại… trên cơ sở củng cố, phát huy vị thế của nước ta trên bản đồ công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.