Trong 6 tháng đầu năm 2023, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Quảng Ninh đã gần đạt chỉ tiêu cả năm.
Dòng vốn chất lượng
Ngày cuối cùng của tháng 6/2023, Quảng Ninh đón cùng lúc 2 dự án mới của Tập đoàn Foxconn, với tổng vốn hơn 246 triệu USD. Nhờ đó, trong nửa đầu năm, tỉnh đã thu hút trên 832 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, đạt 69,3% kế hoạch của UBND tỉnh.
Như vậy, Foxconn tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh để xây dựng 2 nhà máy mới, trong đó một nhà máy có mức vốn hơn 200 triệu USD để sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện phục vụ các nhà máy của Foxconn tại Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất xe điện.
Dự án của Foxconn cùng với 4 dự án trước đó của các nhà đầu tư nước ngoài khác đã nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phụ trợ ngành công nghiệp ô tô tại Quảng Ninh lên 585 triệu USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài mà tỉnh thu hút được.
Đó là các dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (Thụy Điển) đầu tư 154 triệu USD sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu; Công ty TNHH Samsong Vina (Hàn Quốc) đầu tư gần 10,3 triệu USD sản xuất dây đai an toàn dùng trong ngành công nghiệp ô tô và sản xuất chốt khóa bằng thép của dây đai an toàn; Công ty Boltun Việt Nam (Đài Loan) đầu tư 165 triệu USD sản xuất khóa chốt và các sản phẩm dập định hình; Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group đầu tư 55 triệu USD sản xuất vành xe cho ô tô.
Một điểm nhấn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Quảng Ninh là nhà đầu tư Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư vào tỉnh này. Khu công nghiệp Sông Khoai do Tập đoàn Amata đầu tư tại Khu kinh tế ven biển Quảng Ninh liên tiếp đón 2 dự án của nhà đầu tư Nhật. Trong đó, Công ty TNHH Castem Việt Nam đầu tư 18,6 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất – kinh doanh các chi tiết cơ khí chính xác. Còn Công ty TNHH Parts Seiko Việt Nam đầu tư 10 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp và kinh doanh các sản phẩm từ kim loại (giá đỡ trục, vòng trục, vòng đệm, đai kẹp, vòng đệm côn).
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long, dự án của Castem Việt Nam là dự án đầu tiên của nhà đầu tư Nhật Bản vào Khu công nghiệp Sông Khoai. Sau dự án này, sẽ có thêm ít nhất 7 dự án khác của các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào khu công nghiệp của Amata tại Quảng Ninh.
Nối tiếp Castem Việt Nam, Parts Seiko Việt Nam, Công ty TNHH Tamagawa Seiki cam kết sẽ đầu tư 35 triệu USD vào Khu công nghiệp Sông Khoai. Điều đáng nói, Tamagawa Seiki là thương hiệu lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo chính xác cao, sản xuất cảm biến công nghệ cao cho ô tô, máy bay, sản phẩm vũ trụ…
Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Quảng Ninh 6 tháng đầu năm chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đúng theo định hướng được đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025. Kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng của ngành này.
Để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng gia tăng sự đóng góp cho phát triển kinh tế của địa phương, Quảng Ninh đang tập trung thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Trong 2,5 năm kể từ khi Nghị quyết 01-NQ/TU được ban hành, tổng vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài trên 1,3 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 16.000 lao động. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành này đạt 23,6%/năm, đóng góp trên 10% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Đáng chú ý, sự phát triển mạnh của công nghiệp chế biến, chế tạo đã giúp thực hiện phân bố không gian, quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong đó, định hướng thu hút đầu tư được thể hiện rõ nét, bước đầu hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao; chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô; chuỗi công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử…