Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các điểm đến: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Có 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm được đặt ra trong đề án, đi kèm các dịch vụ đặc trưng và bổ trợ, bao gồm: hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
NHỮNG ĐỊA PHƯƠNG BƯỚC ĐẦU THÀNH CÔNG
Để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, thời gian qua, Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động phố đêm du thuyền, mở ra không gian vui chơi, giải trí ban đêm mới mẻ, sôi động cho du khách. Các đêm nhạc được thực hiện ở nhiều địa điểm từ không gian rừng núi đến góc đồi, bờ biển… không chỉ gia tăng trải nghiệm du lịch về đêm, mà còn là “thỏi nam châm” hấp dẫn du khách tới Quảng Ninh.
Đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tổ chức lễ ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội. Trong đó có show diễn thực cảnh, chương trình nghệ thuật, tour tham quan di sản, không gian đi bộ, tour ẩm thực, trải nghiệm xe bus 2 tầng, tour xe đạp, xích lô, xe điện, phố sách, lễ hạ cờ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm tại Thủ đô cũng được chú trọng phát triển như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long…
Tại TP.HCM, vào ban đêm du khách có thể trải nghiệm nhiều không gian văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống như: phố Bùi Viện (Quận 1), các tuyến phố Vĩnh Khánh (Quận 4), phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung – Hồ Thị Kỷ (Quận 10), phố Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3). Cùng với đó, các hoạt động văn hóa trải nghiệm như “Về Chợ Lớn xem múa lân”; tour du lịch “Quận 1 – Sắc màu đêm”; “Trăng chiến khu”… đã góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, tạo nên sắc màu, góc nhìn khác cho du khách khi trải nghiệm, tham quan thành phố.
Với những ai yêu thích thiên nhiên và khám phá, Vườn Quốc Gia Cúc Phương đã mở “Tour tham quan bằng xe điện xem đom đóm và động vật hoang dã ban đêm”. Hay để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã đầu tư, phát triển chợ đêm Tủa Chùa thành sản phẩm du lịch độc đáo với những sạp hàng nông sản, các sản vật núi rừng, thảo dược… chỉ bán bằng hình thức livestream.
Với lợi thế về biển, đảo, Phú Quốc (Kiên Giang) đã có một số sản phẩm du lịch gắn mô hình kinh tế đêm, hấp dẫn nhiều đối tượng du khách. Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp những show diễn quy mô, công phu, và thấm đượm văn hóa được giới thiệu đến du khách, đó là Rối Việt với sân khấu múa rối nước bên biển; Chợ đêm Vui Phết với các tiết mục nghệ thuật đường phố vui nhộn, cùng những nét độc đáo của văn hóa bản địa; show diễn công nghệ đa phương tiện Kiss of The Sea – Nụ hôn của Biển cả với những phần trình diễn công nghệ, ánh sáng, nước và lửa…
CẦN CÓ SẢN PHẨM ĐẶC THÙ
Được coi là loại hình kinh tế đặc thù, nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài, phát triển đa dạng sản phẩm song vẫn giữ được yếu tố lạ, hấp dẫn, việc phát triển kinh tế đêm cần có lộ trình thực hiện gắn với nhu cầu thị trường, điều kiện đặc thù địa phương.
Ngoài ra, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, bên cạnh việc giúp tăng tiêu dùng, mua sắm, góp phần tăng doanh thu và thuế cho nhà nước, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân, cũng cần phải tính đến mặt trái của du lịch đêm để quản lý tốt hơn.
Trước hết, cần quan tâm đến việc bảo đảm an ninh, an toàn và trật tự công cộng, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cư dân địa phương. Bởi du lịch đêm có thể gây ra tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.
“Cần kiểm soát số lượng du khách, giám sát hoạt động các doanh nghiệp du lịch, và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn và an ninh. Cần đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng như chiếu sáng đường phố, các tiện ích công cộng và giao thông công cộng để đảm bảo sự thuận lợi, an toàn cho du khách”, ông Sơn nói.
Sáng 21/8, chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa đã đề cập phát triển sản phẩm du lịch đêm. “Thực tế các sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là đi bộ, ẩm thực, bán nhu yếu phẩm sơ sài, hoặc hoạt động nghệ thuật giải trí, mà lại đêm có, đêm không, chủ yếu vào thứ Bảy, Chủ nhật”, ông Hòa nói. Ông hỏi bộ trưởng về chính sách để du lịch đêm phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú, và giải trí lạnh mạnh, giữ chân du khách qua đêm để kích cầu.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Đề án về sản phẩm du lịch đêm, khuyến khích các địa phương nghiên cứu dựa trên các yếu tố quy hoạch để tính toán, xây dựng các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường để làm sao có các sản phẩm phục vụ đúng, trúng nhu cầu khách hàng.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh lại điều mà ông từng nêu trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra hồi tháng 6 vừa qua rằng: “Như tôi đã nói, có nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa, thậm chí làm nhưng du khách không đến.”
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, đây là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh. Bộ trưởng ví dụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gợi ý TP Hồ Chí Minh dựa trên tài nguyên sông nước và dòng sản phẩm chủ lưu là kết hợp sông Sài Gòn kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm. Trên cơ sở như vậy, TP.HCM đã nghiên cứu, tạo ra tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ kết nối các sản phẩm trên dòng sông để có nơi cho du khách đến.
“Tôi nghĩ mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhắc lại tinh thần chỉ đạo trong các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ. “Về làm du lịch đêm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án, có khung và gợi ý cách làm rồi, còn Bộ không làm thay địa phương được,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.