Chính sách thuế mới của Mỹ đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, giữa những biến động bất lợi của thương mại quốc tế, Việt Nam vẫn có những cơ hội mới để duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nếu có chiến lược thích ứng hợp lý.
Những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ sẽ chịu tác động nặng nề nhất, bao gồm dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản. Ngành dệt may chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ, việc áp thuế cao sẽ làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường này. Ngành gỗ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 16,25 tỷ USD năm 2024, cũng sẽ đối mặt với khó khăn khi chi phí gia tăng do thuế. Ngành thủy sản, vốn có sự phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, cũng có thể chịu tác động tiêu cực khi nhu cầu nhập khẩu giảm.

Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào Mỹ, mà có thể khai thác các thị trường khác để giảm thiểu tác động của chính sách thuế mới. Hai vấn đề lớn có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam bù đắp phần nào tổn thất xuất khẩu là tái thiết Myanmar và Thái Lan sau động đất, cũng như tái thiết Nga – Ukraine khi xung đột kết thúc.
Myanmar và Thái Lan vừa trải qua một trận động đất mạnh trên 7,7 độ richter, gây thiệt hại kinh tế lên đến 100 tỷ USD. Nhu cầu tái thiết các quốc gia này sẽ có thể giúp cho các mặt hàng như vật liệu xây dựng, nội ngoại thất, nông sản, hàng tiêu dùng và dệt may – những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao.
Ngoài ra, một cơ hội tiềm năng khác là quá trình tái thiết Nga và Ukraine. Nếu xung đột kết thúc trong năm nay, đây có thể trở thành một trong những đợt tái thiết đất nước lớn nhất trong lịch sử loài người. Doanh nghiệp Việt Nam, nếu chủ động tiếp cận ngay từ bây giờ, có thể giành được lợi thế lớn khi thị trường này cần khối lượng hàng hoá khổng lồ để phục hồi nền kinh tế. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như vật liệu xây dựng, đồ nội thất, nông sản và hàng tiêu dùng có thể có cơ hội gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn tái thiết này.
Ngoài các cơ hội từ tái thiết, Việt Nam cũng có thể tận dụng vị trí địa lý và quan hệ thương mại để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn khác. Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là ba quốc gia chiếm đến 45% dân số toàn cầu, tương đương với 3 tỷ người. Đây đều là những thị trường có tiêu chuẩn nhập khẩu linh hoạt hơn so với Mỹ và châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu vào Ấn Độ đạt trên 9 tỷ USD, trong khi xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 61 tỷ USD. Nếu có những bước đi chủ động trong ngoại giao và mở rộng hợp tác thương mại, dư địa tăng trưởng tại các thị trường này vẫn còn rất lớn.
Bên cạnh đó, châu Âu cũng là một thị trường tiềm năng với mức tiêu dùng cao và đơn giá hàng hóa tốt. Việt Nam có thể tiếp tục tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực này. Dù là một thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe, nhưng nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vào châu Âu vẫn rất khả quan.
Một chiến lược quan trọng khác để đối phó với chính sách thuế của Mỹ là nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu từ các mặt hàng gia công sang sản phẩm có hàm lượng công nghệ và thương hiệu cao hơn, thì mức độ ảnh hưởng của thuế quan cũng sẽ giảm đáng kể. Việc đầu tư vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, như hàng dệt may kỹ thuật, gỗ chế biến tinh xảo hoặc thực phẩm chế biến sẵn, có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam duy trì thị phần ngay cả khi bị áp thuế cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có chiến lược đa dạng hóa đối tác nhập khẩu để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Hợp tác với các chuỗi cung ứng toàn cầu và tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái sản xuất của các tập đoàn lớn có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ xuất khẩu trực tiếp mà còn tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Chính sách thuế của Mỹ là một cú sốc đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng không phải là con đường đóng kín hoàn toàn. Nếu doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích nghi, tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường mới và đợt tái thiết quy mô lớn, chúng ta hoàn toàn có thể duy trì kim ngạch xuất khẩu, thậm chí tiếp tục tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động.
(Ông Nguyễn Tuấn Việt – chuyên gia kinh tế về Xuất nhập khẩu, Giám đốc Công ty Xúc tiến Xuất khẩu Vietgo)