Nhiều địa phương yêu cầu nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, không tổ chức dạy trước chương trình, kiểm tra, khảo sát xếp lớp.
Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm không chỉ trở thành gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đối với nhiều gia đình mà vấn đề học thêm quá đà còn chiếm hết thời gian vui chơi hay tham gia các hoạt động khác, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.
Hà Nội cùng nhiều địa phương yêu cầu nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, không tổ chức dạy trước chương trình, kiểm tra, khảo sát xếp lớp.
|
Theo kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu, kém; Bố trí thời gian hợp lý để tổ chức kiểm tra và xét lên lớp cho những học sinh thuộc diện kiểm tra lại, học sinh phải rèn luyện trong hè.
Nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Không tổ chức dạy trước chương trình, ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2023-2024.
Bên cạnh đó, căn cứ điều kiện của nhà trường, nguyện vọng của cha mẹ học sinh, nhà trường chủ động phối hợp với các trung tâm văn hóa – thông tin và thể thao, các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện pháp lý để tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị nhà trường tạo điều kiện lắp đặt bể bơi thông minh tại trường để tổ chức các lớp dạy bơi nhằm phổ cập bơi, nâng cao kĩ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Khuyến khích vận động cha mẹ học sinh cho con em tham dự các lớp học bơi trong dịp hè.
Các trường tổ chức câu lạc bộ trên tinh thần tự nguyện, đúng quy định, tuyệt đối không bắt buộc, áp đặt học sinh tham gia dưới mọi hình thức.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng yêu cầu trường học các cấp từ ngày 1/6 đến 31/8 không tổ chức dạy hè, không dạy trước cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 dưới mọi hình thức. Riêng với học sinh lớp 9, lớp 12, trường học xây dựng kế hoạch ôn tập có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang vừa chỉ đạo các trường học tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào cả trong và ngoài nhà trường, trừ học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Trường học cũng không được dạy trước chương trình. Các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, ôn tập, phụ đạo cho học sinh chỉ được tiến hành sau ngày tựu trường năm học 2023-2024. Riêng với cơ sở mầm non, các trường được tổ chức hoạt động hè trên cơ sở cha mẹ có nhu cầu gửi con, có đơn xin học hè.
Trước đó nói về việc học thêm theo PSG.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã có Thông tư 17 quy định rất rõ về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Theo đó, Bộ đã có quy định đó là không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa, tránh chuyện giáo viên đứng lớp dạy thêm chính học sinh lớp mình.
Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên dạy sâu hơn một phần nội dung, kiến thức theo kế hoạch giáo dục của nhà trường trong lớp học thêm. Khi đó, những em không học thêm lo lắng việc không được đảm bảo quyền lợi.
Cũng theo ông Thành, hiện nay, việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận phụ huynh học sinh muốn trang bị thêm kiến thức, kỹ năng là nhu cầu chính đáng nên việc dạy thêm, học thêm là yêu cầu khách quan của cuộc sống.
Tuy nhiên, Bộ cũng có quy định các trường hợp không được dạy thêm. Cụ thể, các trường hợp đó gồm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống).
Về dạy thêm học thêm trong nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải tuân thủ các quy định. Cụ thể, học sinh có nguyện vọng phải viết đơn, cha mẹ ký.
“Nhà trường sau đó tổ chức phân nhóm học sinh theo năng lực, không dạy cào bằng và phân công giáo viên phụ trách môn học dạy thêm theo đúng nhóm năng lực học sinh”, ông Thành nói.
Theo báo cáo phân tích Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 mới đây của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO cho thấy, trung bình gia đình học sinh đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học và có xu hướng tăng dần theo cấp học, trong đó chi phí học thêm là khoản lớn nhất.
Còn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới Bộ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường.
Trước đó, năm 2019 và 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua nhưng vì nhiều lý do mà đề xuất này bất thành.
Bình luận về ý kiến của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo một số chuyên gia cho hay đề xuất này vừa sai luật vừa không đúng với thực tiễn khi triển khai vào cuộc sống.
Theo đó, Luật của chúng ta vẫn chưa cho phép giáo dục là ngành kinh doanh như hàng hóa. Nhà trường, thầy cô với phụ huynh, học sinh chưa phải là quan hệ mua bán.
Chưa kể, Luật Giáo dục đã cấm “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” hay “Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”.
Để chuyển hướng tích cực cho hoạt động dạy thêm, học thêm theo chuyên gia cần nâng mức lương cao nhất cho giáo viên trong khối sự nghiệp, tạo ra các cơ chế tự chủ để giáo viên sống được bằng tổng thu nhập hàng tháng.
Đồng thời từng bước cải tiến việc đánh giá học sinh, đổi mới phương thức, nội dung thi tuyển trong trường, từng địa phương và quốc gia, nhằm giảm áp lực học thêm.