LTS: Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng. Trước thực trạng này, điện hạt nhân được xem như một giải pháp “đáng tin cậy” để cung cấp nguồn năng lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Trong phiên họp tổ của Quốc hội ngày 26/10 về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển điện hạt nhân. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải phát triển điện hạt nhân, thế giới người ta cũng đang làm như thế”. Thường trực Chính phủ đã giao Bộ Công Thương cùng các Bộ liên quan nghiên cứu để triển khai dự án trong thời gian tới nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách của nền kinh tế.
Điện hạt nhân không chỉ góp phần đảm bảo nguồn cung điện mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phù hợp với cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, phát triển điện hạt nhân còn là một bước tiến về công nghệ, giúp Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Để làm rõ tầm quan trọng và sự cấp thiết của điện hạt nhân tại Việt Nam, Báo điện tử Dân Việt đã triển khai loạt bài “Tái khởi động điện hạt nhân” nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Chính phủ Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày trước Quốc hội về dự án luật Điện lực (sửa đổi).
Một trong những điểm mới được đề cập tại dự thảo lần này, đó là các chính sách về phát triển điện hạt nhân. Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân. Lý do để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Vì sao Nhà nước phải “độc quyền” làm điện hạt nhân?
Nhắc đến việc loại bỏ dự án điện hạt nhân năm 2016, ông Trần Xuân Hoà, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếc nuối và bày tỏ mong muốn sớm khởi động chủ trương này.
Theo ông Hoà, năm 2015 trước khi bỏ phiếu về điện hạt nhân, các nhà khoa học, chuyên gia am hiểu về năng lượng cũng đều có ý kiến nên giữ lại và nghiên cứu thêm.
“Khi ấy, tôi đang là Đại biểu Quốc hội, cùng nhiều chuyên gia khác nghiên cứu về năng lượng, chúng tôi thấy rất tiếc vì điện hạt nhân bị tạm dừng”, ông Hòa nói.
Theo ông Hoà: “Chúng ta chưa nhân rộng điện khí, lại chủ trương dẹp điện than và phát triển điện tái tạo mà chỉ dựa vào điện nền là thủy điện. Không có điện hạt nhân thì lấy gì để cho điện nền phát triển trong 10-15 năm tới?. Những năm gần đây chúng ta đã thấy thiếu điện nền trầm trọng”.
Về đề xuất Nhà nước phải độc quyền phát triển điện hạt nhân của Bộ Công Thương, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị Kinh tế Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nêu quan điểm: Nhà nước phải độc quyền phát triển điện hạt nhân bởi như thế chúng ta mới lo được công nghệ, nhận chuyển giao từ nước ngoài. Với tính chất đặc biệt của điện hạt nhân và bối cảnh nước ta, chúng ta khó để tư nhân tự đứng ra đầu tư, phát triển và vận hành.
“Các nước tự nghiên cứu và nhận chuyển giao độc quyền điện hạt nhân, thì tư nhân có thể tham gia vào đầu tư, vận hành điện hạt nhân. Thị trường điện của họ cạnh tranh và mức an toàn bằng 0. Tuy nhiên, đối với nước ta, an ninh và an toàn điện hạt nhân là tiêu chí cao nhất, do đó cần có sự tham gia của Nhà nước”, PGS Lược phân tích.
PGS Lược cũng thừa nhận, tư nhân cũng có thể chung tay với Nhà nước ở các dự án thành phần riêng lẻ của dự án điện hạt nhân, trong đó có tham gia đào tạo chuyển giao nhân lực, cung cấp các linh phụ kiện, cơ sở, tham gia thầu phụ nếu có đủ năng lực, trình độ.
Trao đổi nhanh với Dân Việt, một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) (xin không nêu tên) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước đứng ra đầu tư và phát triển điện hạt nhân là đúng. Có thể giao cho các doanh nghiệp Nhà nước trên cơ sở có giao quyền và gắn trách nhiệm. Chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng dự án, hiệu quả công trình.
“Nếu dự án điện hạt nhân là độc quyền của Nhà nước, có thể trong quy trình đầu tư, cấp phép sẽ được coi là dự án trọng điểm quốc gia, được hưởng các cơ chế về đầu tư, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, lợi ích sẽ giúp cho dự án này được đầu tư vốn, thu xếp nhân lực và huy động các bên tham gia. Chúng ta có EVN, PVN và TKV… là những doanh nghiệp Nhà nước có năng lực về năng lượng, có thể chuyển đổi nhân sự và bồi dưỡng cho họ. Bên cạnh đó, Nhà nước đứng vai trò đầu tàu, bà đỡ, có thể huy động và kêu gọi các bên cùng tham gia”, vị chuyên gia này cho hay.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cái khó của việc Nhà nước độc quyền làm điện hạt nhân là lợi thế so sánh, hiệu quả dự án.
“Khi chúng ta thực hiện Quy hoạch điện VIII, nguồn điện và vận hành thị trường bán lẻ điện sẽ ở trạng thái tự do cạnh tranh hoàn toàn. Vậy, chi phí suất đầu tư/ sản lượng điện, giá bán điện của nhà máy hạt nhân trong thời gian đầu sẽ cao, điều này tác động trực tiếp đến giá bán điện. Chúng ta sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?”, vị chuyên gia quan ngại.
Hơn nữa, nếu thị trường điện vận hành thị trường hoàn toàn, nơi đâu bán rẻ, EVN sẽ mua hoặc hộ sử dụng điện sẽ mua điện trực tiếp. Việc giá điện hạt nhân giai đoạn đầu đắt sẽ giảm khả năng bán điện trực tiếp cho khách hàng. Khi không bán điện trực tiếp, điện hạt nhân chỉ đóng vai trò là điện nền, phối trộn với các loại điện khác (thuỷ điện, điện tái tạo) để bán nối lưới.
Thực tế, chủ trương đầu tư điện hạt nhân là cần thiết, cấp bách vì chúng ta đang đối diện với thực tế thiếu điện nền trong nay, mai. Tuy nhiên, phải làm rất rõ về giá bán điện theo khấu hao nhà máy bao nhiêu năm, Nhà nước có thể bù lỗ hoặc hỗ trợ giá cho điện hạt nhân trong những năm đầu để giá điện hạt nhân ở mức chấp nhận được so với các nguồn điện khác.
Khi chín muồi, có thể chuyển giao cho tư nhân làm điện hạt nhân
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Văn Bình, nguyên giảng viên Khoa Điện, Đại học Bách Khoa khẳng định: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Nhà nước độc quyền điện hạt nhân bởi nó liên quan đến an toàn, an ninh và đặc biệt là việc xử lý các thanh nhiên liệu làm giàu Uranium sau khi hết thời gian sử dụng sẽ cực kỳ phức tạp, cần vai trò và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước”.
Đối với tư nhân, PGS Bình khẳng định: “Hiện chưa đơn vị tư nhân nào của Việt Nam làm được điện hạt nhân và cũng không có nhân lực, trình độ để làm. Chúng ta không nên so với các nước khác như Mỹ, Nhật, Ấn Độ hay Trung Quốc. Họ tự nghiên cứu và phát triển điện hạt nhân. Chúng ta đi sau, cần Nhà nước chủ trì, đầu tư. Đến chừng mực nào, khi thời cơ chín muồi, chúng ta sẽ sửa luật và cho phép tư nhân tham gia, nếu họ mong muốn”.
Ông Bình khẳng định, điện hạt nhân là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nhiều quốc gia phát triển cũng phải “neo” các chính sách để đảm bảo an ninh, an toàn.
Theo chuyên gia từ Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, phải cấp thiết phát triển điện hạt nhân vì chúng ta thực hiện các cam kết 2050 và có lộ trình cắt giảm điện than.
Hiện tại, chúng ta cũng đã dừng phát triển các nhà máy điện than trong Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII sửa đổi và mới nhất là Quy hoạch điện VIII. Chính vì vậy, cần nhanh chóng đưa điện hạt nhân vào chủ trương phát triển.
Về vốn cho điện hạt nhân, theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Thủ tướng ban hành tháng 4/2024, tổng vốn đầu tư vào nguồn và lưới điện là khoảng 134,7 tỷ USD, tương đương hơn 3.223 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư phần nguồn điện khoảng 2.866,5 nghìn tỷ đồng (119,8 tỷ USD) và đầu tư phần lưới điện truyền tải khoảng 356,5 nghìn tỷ đồng (14,9 tỷ USD).
Giai đoạn 2021-2025: 1.366,2 nghìn tỷ đồng (57,1 tỷ USD), trong đó nguồn điện 1.150,9 nghìn tỷ đồng (48,1 tỷ USD), lưới truyền tải 215,3 nghìn tỷ đồng (9,0 tỷ USD). Giai đoạn 2026-2030: 1.856,7 nghìn tỷ đồng (77,6 tỷ USD), trong đó nguồn điện 1.715,6 nghìn tỷ đồng (71,7 tỷ USD), lưới truyền tải 141,2 nghìn tỷ đồng (5,9 tỷ USD).
Theo các chuyên gia từ Viện CIEM và Hiệp hội xăng dầu, về vốn Việt Nam đủ đảm bảo cho yêu cầu phát triển điện hạt nhân. Thậm chí có thể điều chuyển vốn từ các dự án điện phát thải sang điện hạt nhân. Thay vai trò đầu tư của Nhà nước sang nguồn điện nền chủ chốt như điện hạt nhân, điện khí LNG, trung tâm dự trữ pin, điện gió ngoài khơi. Còn huy động, kêu gọi tư nhân đầu tư phát triển các nguồn điện mặt trời, điện gió, lưu trữ pin, điện LNG và điện sinh khối.
Về khả năng cân đối vốn cho tư nhân tham gia dự án điện hạt nhân, giới chuyên gia bày tỏ thận trọng bởi đầu tư điện hạt nhân đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao và đặc biệt liên quan hợp tác liên Chính phủ. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án thành phần, thầu phụ.
PGS Trần Văn Bình khẳng định, không phải việc Nhà nước độc quyền phát triển điện hạt nhân là chúng ta đánh giá thấp vai trò tư nhân, chúng ta thừa nhận họ sẽ làm tốt nếu được giao việc. Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu điện hạt nhân sẽ đòi hỏi vốn lớn, trong khi chúng ta cần sớm. Tư nhân sẽ khó có thể nhận chuyển giao từ nước ngoài nếu Nhà nước không bảo hộ vốn.
Chính vì vậy, vai trò của tư nhân sẽ tham gia dần các khâu và nếu cần, trong tương lai gần khi chúng ta có tư nhân mạnh về làm điện hạt nhân, có thể giao phó cho họ được.
Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Sẽ sớm có quy trình về đầu tư điện hạt nhân”
Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt xung quanh vấn đề Nhà nước độc quyền phát triển điện hạt nhân, lựa chọn công nghệ và vấn đề bao nhiêu lâu nữa ngành điện mới tiếp nhận sản lượng điện từ điện hạt nhân nhằm bổ sung, sửa đổi trong Quy hoạch điện VIII hoặc các Quy hoạch điện thời kỳ tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: Chủ trương đầu tư phát triển điện hạt nhân đã được Chính phủ đưa ra và giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu.
“Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đồng ý về chủ trương, Bộ sẽ sớm có quy trình cụ thể về đầu tư điện hạt nhân”, ông Tân nói.
Về khôi phục chủ trương phát triển điện hạt nhân, ông Tân khẳng định: Năm 2009, có chủ trương phát triển điện hạt nhân, nhưng năm 2016 Quốc hội dừng chủ trương do nhiều lý do. Căn cứ Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đang nghiên cứu lại, tìm hiểu thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo lại với Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, xu thế hiện nay các nước phát triển điện hạt nhân là do nhu cầu năng lượng, nhưng thiếu điện nền nên phải phát triển điện hạt nhân.
“Sức ép năng lượng tái tạo khiến cho nhu cầu điện nền là rất quan trọng. Chính vì vây, các nước đều nghiên cứu tăng gấp 2, gấp 3 lần sản lượng và quy mô điện hạt nhân. Kinh nghiệm Nhật Bản, Pháp chúng tôi ước tính tỷ trọng điện hạt nhân phải chiếm 20%-25% sản lượng điện của họ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm rõ.
Về công nghệ, ông Tân khẳng định, thế giới phát triển điện hạt nhân ở giai đoạn công nghệ thứ 3, thứ 4 và các công nghệ đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo an toàn tối đa, mức độ rủi ro về 0.
“Chúng tôi đang nghiên cứu và thấy vài công nghệ phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
(Còn nữa)