Thực tế, khi nhận được tiền mừng tuổi, trẻ con thường rất thích thú và nghĩ ra những món đồ mình thích để mua hoặc nuôi lợn đất. Nhưng mỗi bố mẹ lại có cách khác nhau để giúp con ứng xử với tiền mừng tuổi, tất nhiên, không phải trẻ nào cũng hiểu được mong muốn của bố mẹ.
Nhân dịp đầu xuân, ngày 1/2, tức mùng 4 Tết Ất Tỵ, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức buổi giao lưu tại phố sách Hà Nội với chủ đề “Khéo khôn với tiền: Xuân sang mở mang kiến thức về tài chính”.
Tại đây, các em nhỏ được phổ cập kiến thức về tiền, giá trị đồng tiền, cách tạo ra tiền và cách tiêu tiền hợp lý, ngoài ra, các em còn tham gia trò chơi như giải đố về lịch sử của tiền, cách giao dịch để tạo ra tiền cũng như trách nhiệm với đồng tiền mà mình được mừng tuổi. Qua đó, các em nhỏ đã hiểu biết hơn về tiền, giá trị đồng tiền và trách nhiệm với mỗi quyết định tiêu tiền của mình.
Nói với người yêu sách, nhất là các em nhỏ, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước cho biết giáo dục tài chính cá nhân, đặc biệt là kiến thức về tiền cho các em học sinh là vô cùng quan trọng. Đây là việc làm mà các nước trên thế giới đã dạy trẻ từ rất sớm, vì chỉ khi hiểu về tiền, có kiến thức về tiền, tài chính các em với biết cách ứng xử với tiền một cách phù hợp.
Vì vậy, nhân dịp đầu xuân, khi các em nhỏ nhận được nhiều phong bao lì xì (hay gọi là tiền mừng tuổi), bà Sen hy vọng buổi giao lưu này sẽ giúp các bố mẹ cũng như em nhỏ biết cách ứng xử thế nào với số tiền này.
“Khi nhận được tiền mừng tuổi, các em nhỏ thường hay đút lợn, hoặc mua cái này, cái kìa hoặc có em nhờ bố mẹ giữ hộ để mua đồ dùng học tập…Tuy nhiên, khi đọc sách về tài chính, các em sẽ hiểu được giá trị của tiền và từ đó sẽ có những hành vi, ứng xử với tiền một cách phù hợp, hiệu quả. Vì vậy, tôi hy vọng các em chăm chỉ đọc sách nói chung và sách về tài chính nói riêng. Khi có những kiến thức về tài chính, các em sẽ thay đổi nhận thức và hành vi, giảm rủi ro tài chính trong tương lai, góp phần tạo nên một cộng đồng tài chính tốt đẹp tại Việt Nam”, bà Sen cho hay.
Có chung nhận định giáo dục tài chính cá nhân là vấn đề vô cùng quan trọng, bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng, cho biết kiến thức về tài chính đã được đưa vào trường học theo từng cấp. Đơn cử như ở bậc tiểu học hay trung học cơ sở, trong các bài toán hay một số môn học có nội dung liên quan đến mua sắm, tiền, lãi suất…
Bạn nhỏ Ngân Giang (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, con hay đem tiền mừng tuổi đút vào lợn, 2- 3 năm khi con lợn đầy con lại đập ra đưa cho mẹ nhờ cất hộ. Khoảng 3 năm trở lại đây em bắt đầu hỏi mẹ về tiền mừng tuổi, rồi đòi tự cất.
“Khi mẹ gửi tiết kiệm ngân hàng với tên của con, con không thấy tiền đâu, con khóc đòi mẹ lấy về. Nhưng khi được đọc cuốn sách này, con hiểu hơn, có tiền nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Ngoài ra, mẹ cũng cho biết số tiền mừng tuổi mẹ gửi tiết kiệm cho con từ khi con còn nhỏ tới nay có lãi gần 10 triệu đồng, tốt hơn là đút lợn. Vì vậy con rất vui”, Ngân Giang kể.
Bé Giang cho biết thêm, tiền mừng tuổi đang gửi tiết kiệm ngân hàng con sẽ lập kế hoạch chi tiêu như mua Ipad để học vẽ tranh chì, mua 1 cái váy để đi biểu diễn đàn. Còn lại để tiết kiệm ở ngân hàng để có lãi và an toàn hơn.
“Nhưng đến năm con 15 tuổi, mẹ sẽ mở tài khoản ngân hàng và chuyển số tiền này cho con để con tự học cách tiêu và sử dụng tiền sao cho hiệu quả, có ích. Vì vậy, con sẽ chăm chỉ đọc sách về tài chính hơn để biết cách tiêu tiền có hiệu quả nhất.
Cũng tại buổi trao đổi, bà Sen đã ký tặng sách “Khéo khôn với tiền” cho các bạn nhỏ với mong muốn rằng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em cần được trang bị những kiến thức về tiền để hiểu và sử dụng tiền một cách có trách nhiệm.
Bà Lê Thị Thúy Sen cũng là tác giả của cuốn sách “Khéo khôn với tiền” được xuất bản năm 2024. Mong muốn của bà là viết một cuốn sách cho gia đình người Việt. “Kiến thức tài chính thường rất khô khan, khó hiểu và khó tiếp cận với trẻ. Để giúp trẻ tránh xa những cạm bẫy về tài chính, vấn đề kiếm tiền, giữ tiền và tiêu tiền của vấn đề quan tâm của mọi người trên toàn cầu. Khi trẻ em Việt Nam được trang bị các kiến thức tài chính tốt sẽ giúp các em có được các lối sống có trách nhiệm hơn với tiền bạc, từ đó có cuộc sống tốt đẹp hơn và giảm thiểu rủi ro về tài chính cho cá nhân các em trong tương lai. Từ đó góp phần tạo nên một cộng đồng tài chính tốt đẹp hơn”, bà Sen nhấn mạnh.