Điểm dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động
TP. Cần Thơ hiện có hơn 1.200 công đoàn cơ sở với gần 85.000 đoàn viên. Để công tác phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đạt được những kết quả tích cực, cán bộ công đoàn tại cơ sở chính là những cầu nối quan trọng.
Như trong đợt ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu ảnh hưởng của bão lũ vừa qua, nhiều đoàn viên, công nhân lao động tại Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã nhiệt tình hưởng ứng sự kêu gọi của công đoàn cơ sở. Theo anh Bùi Hùng Thạnh, công nhân tại công ty, dù nhiều nơi phát động quyên góp nhưng các công nhân vẫn chọn ủng hộ thông qua công đoàn cơ sở công ty bởi “đó là nơi gần gũi và có thể tin tưởng nhất”.
Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở cũng là những người trực tiếp thực hiện sứ mệnh cốt lõi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Mới đây, TP. Hà Nội đã vinh danh 95 chủ tịch công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu đại diện cho trên 9.000 chủ tịch công đoàn cơ sở. Họ không chỉ là những cán bộ công đoàn có tinh thần trách nhiệm mà còn có nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hiệu quả để phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Như chị Phan Thị Mỹ Hạnh – Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Đoàn Khuê (quận Long Biên) đã đề xuất nhiều việc làm cụ thể để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động: phòng nghỉ công đoàn để giáo viên nghỉ ngơi sau mỗi giờ lên lớp, “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” tại trường, tạo môi trường học tập, trải nghiệm thực tế cho đoàn viên, học sinh nhà trường…
Anh Phan Thanh Hải cũng là một chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu của Thủ đô. Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Meiko Việt Nam, dnh Hải luôn tìm tòi, tham gia đàm phán, xây dựng, ký kết bản Thỏa ước Lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động: tăng thêm 5 ngày nghỉ phép, hàng tháng tổ chức 4-8 bữa ăn đặc biệt, duy trì việc thăm hỏi, động viên, quyên góp giúp đỡ và đề xuất công đoàn cấp trên hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Có thể thấy, cán bộ công đoàn cơ sở có vai trò quan trọng trong việc triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đặc biệt là nhiệm vụ đại diện bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
‘Nâng chất’ cán bộ công đoàn cơ sở
Hiện nay, cả nước có hơn 150.000 Công đoàn cơ sở với hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn. Trong xu thế hội nhập, phát triển, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở tiếp tục có đóng góp lớn trong xây dựng Công đoàn Việt Nam. Nhìn chung, hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở có phẩm chất đạo đức tốt, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ sự quản lý của Nhà nước, tích cực triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hoạt động của công đoàn cấp trên, luôn gắn bó, quan tâm đến lợi ích của công nhân, có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu trong học tập, công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá tổng thể, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở “đông nhưng chưa mạnh”. Hầu hết cán bộ hoạt động kiêm nhiệm, đa phần chưa qua đào tạo lý luận chính trị, công đoàn, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức các hoạt động công đoàn…
Trước tình hình đó, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có đông đoàn viên, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt là 1 trong 3 khâu đột phá, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để thực hiện mục tiêu trên, các cấp công đoàn cần bám sát những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của từng cấp, từng địa phương, đơn vị thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở cần được tiến hành rà soát, đánh giá một cách kỹ lưỡng, chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm, phân tích rõ nguyên nhân, từ đó có kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn các cấp về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Lựa chọn đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, đặc biệt là chủ tịch công đoàn cơ sở thực sự là thủ lĩnh của tập thể lao động.
Chú trọng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp. Cần chú trọng bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Các hình thức đào tạo cần được đa dạng hoá, ưu tiên hình thức tự đào tạo và đào tạo trực tuyến để tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn cơ sở có thể tiếp cận các chương trình đào tạo một cách thuận lợi, dễ dàng.
Đồng thời, tổ chức công đoàn cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn ở cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với cán bộ công đoàn, tập trung vào việc xây dựng chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp. Có các hình thức ghi nhận những cống hiến; các chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng; các hình thức động viên khen thưởng nhằm tạo động lực để cán bộ công đoàn phấn đấu, làm việc.
H. Dũng