Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên nghỉ hưu và bỏ việc, trong đó số người bỏ việc lên tới gần 9.300 người.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 nhưng thực tế vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước.
Ảnh minh hoạ. |
Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Chưa kể, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu dạy học.
Ngoài ra, năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 19.300 người nghỉ theo chế độ và bỏ việc, trong đó số lượng giáo viên bỏ việc lên tới gần 9.300 người.
Phân tích về nguyên nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, ở bậc mầm non còn thiếu giáo viên nhiều hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 – 2023 tăng thêm 132.245 học sinh (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên);
Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 – 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu thực tế dạy học, theo tính toán của ngành cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên); Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).
Tính đến hết năm học 2022-2023, theo thống kê, tổng số giáo viên các cấp là 1.234.124 người, tăng gần 72.000 người so với năm học trước.
Tuy nhiên, tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung vẫn không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.
Nói về tình trạng thiếu giáo viên, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Hà Nội có quy mô trường lớp lớn là 2.845 trường học với hơn 2,3 triệu học sinh. Số trường học tiếp tục tăng dần qua từng năm, trung bình 30-50 trường học phải xây mới mỗi năm.
Hiện số lượng học sinh của thành phố mỗi năm đều tăng; trong đó số học sinh các trường mầm non, phổ thông công lập tăng gần 6%.
Vì thế, số lượng học sinh/lớp ở các trường công lập của Hà Nội đều lớn hơn quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thậm chí, có những trường tại một số quận, số lượng học sinh trung bình khối tiểu học là 56 học sinh/lớp, khối THCS là 53 học sinh/lớp.
Khi số lượng học sinh, số lượng lớp, số trường tăng, kéo theo số lượng người làm việc tại khối giáo dục cũng phải tăng theo nhằm đáp ứng yêu cầu “có học sinh, có lớp thì phải có giáo viên”.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên. Năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập.
Ông Trần Thế Cương đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến đặc thù giáo dục của thành phố như bổ sung, sửa đổi quy chế tuyển sinh đầu cấp THCS, THPT;
Vị này cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh Thông tư 13 liên quan đến công nhận trường chuẩn quốc gia với tiêu chí diện tích của các trường nội thành Hà Nội.
Đồng thời, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có ý kiến với Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao thêm biên chế cho Hà Nội, do địa bàn đang thiếu xấp xỉ 10.000 giáo viên các cấp học.
Theo dự báo, đến năm học 2025 – 2026, cả nước sẽ thiếu 26.228 giáo viên để đảm bảo cho các môn. Đặc biệt, thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, chiếm trên 40%. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.
Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026.
Riêng năm học 2022-2023, ngành giáo dục được giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy vậy, theo quy định, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế.
Điều này, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, là một nghịch lý. Bởi, dù được giao biên chế, nhưng nhiều địa phương không dám tuyển, vì “nhỡ tuyển rồi phải giảm biên chế thì trừ vào ai?”.
Như thế, vấn đề cần bàn ở đây là, tuyển dụng và tinh giản biên chế, việc nào cần được ưu tiên thực hiện trước. Điều này, liên Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cùng ngồi lại bàn bạc tính toán và thống nhất rõ ràng. Việc tinh giản biên chế giáo viên theo kiểu cơ học, cào bằng nhất thiết phải được xem xét lại một cách thấu đáo.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc bảo đảm lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức.
Với tinh thần có học sinh, có lớp học phải có đủ giáo viên. Cân nhắc việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, đảm bảo việc tuyển dụng công bằng, tránh phát sinh tiêu cực.
“Đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc chỉ tiêu biên chế. Hiện còn thiếu căn cứ pháp lý cho việc này”, tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo nêu.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy.
Giáo viên thấy hào hứng với công việc. Để đảm bảo nguồn tuyển đối với giáo viên cho nhiều năm về sau, ngành giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường sư phạm.
Đặc biệt, Bộ cũng xem xét những phương diện liên quan đến công tác xây dựng môi trường văn hóa học đường, đổi mới quản trị các trường học, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất.