Năm 2024, các doanh nghiệp ngành phân bón phải đối mặt với một số vấn đề như xung đột chính trị Nga – Ukraine tác động tiêu cực đến nền tài chính toàn cầu, nguồn cung khan hiếm, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Cùng đó là rủi ro cung vượt cầu, cạnh tranh về giá cũng như tính thanh khoản từ phía khách hàng. Tuy nhiên, kết quả báo cáo kinh doanh mới đây của một số doanh nghiệp cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón lần lượt báo lãi. Ảnh minh họa
Mới nhất, Công ty CP DAP Vinachem (MCK: DDV) cho biết lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Công ty đạt 168 tỷ đồng, tăng 144% so với năm 2023.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 4,91% do giá bán bình quân kỳ này tăng so với cùng kỳ năm trước (13,36 triệu đồng/tấn). Cụ thể, tổng doanh thu năm 2024 của DDV đạt 3.392 tỷ đồng, tăng 159 tỷ đồng so với năm 2023.
Do trong kỳ, Công ty chủ yếu thực hiện xuất khẩu nên các khoản giảm trừ doanh thu còn 26,7 tỷ đồng, giảm 25,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 48,58%.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng, trong khi giảm trừ được thu hẹp, dẫn đến doanh thu thuần của Công ty đạt 3.365 tỷ đồng, tăng 5,79% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm, lãi vay ngân hàng và chiết khấu thanh toán của DDV giảm, nên chi phí tài chính kỳ 2024 giảm 24,38% so với cùng kỳ. Song song, DDV tiết giảm được chi phí ủy thác, thay vào đó Công ty trực tiếp xuất khẩu, góp phần cho chi phí bán hàng giảm tới 25,21%, còn 88,1 tỷ đồng.
Đặc biệt, DDV được nhận tiền bồi thường tổn thất sau bão, cộng với tiền thanh lý tài sản cố định hết khấu hao nên khoản thu nhập khác lên tới 1.201 tỷ đồng, tăng 485,7% so với năm 2023.
Trước đó, nhận định lĩnh vực sản xuất phân bón DAP chịu sự tác động lớn từ biến động giá DAP thế giới, DDV đặt mục tiêu cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ để đảm bảo tồn kho ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, DDV cũng chú trọng duy trì tốt, mở rộng đối tác xuất khẩu, đảm bảo cân bằng tỷ trọng xuất – nhập khẩu.
Tại Công ty CP Phân Lân Ninh Bình (Mã CK: NFC), kết quả kinh doanh cho thấy năm 2024 Công ty đạt 914 tỷ đồng doanh thu, cao hơn 25,7% so với năm 2023.
Giám đốc Dương Như Đức của NFC cho biết, lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng hơn 10% so với năm 2023 bắt nguồn từ việc doanh thu bán hàng tăng trưởng, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng. Cùng đó là việc doanh thu tài chính tăng, trong khi chi phí tài chính được tiết giảm.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán của NFC chiếm 83,3% tổng doanh thu, giảm nhẹ tỷ lệ 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp Công ty mang về là 151,6 tỷ đồng, cao hơn năm 2023 47 tỷ đồng, tương ứng 44,7%.
Dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cùng phình to, tuy nhiên lợi nhuận gộp tăng mạnh giúp cho lợi nhuận thuần của NFC vẫn kịp tăng 20,3 tỷ đồng, tương ứng 66%, lên thành 51 tỷ đồng. Kết quả, lãi sau thuế NFC đạt 44,7 tỷ đồng, tương ứng 59%.
Công bố báo cáo tài chính năm 2024 và ghi nhận lãi sau thuế tăng hơn 10% còn có Công ty CP Phân bón và hóa chất dầu khí miền Bắc (MCK: PMB) – thành viên của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí.
Năm 2024, PMB đặt mục tiêu cải thiện chính sách bán hàng linh hoạt, kích thích hệ thống Nhà phân phối tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Phú Mỹ. Đồng thời lựa chọn thời điểm phát triển sản phẩm phân bón tự doanh để tăng doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động.
Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2024 của PMB đạt 2.153 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với năm 2023. Tuy nhiên, do giá vốn tăng hơn 8,5 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp PMB chỉ đạt 98% so với năm 2023, tương ứng giảm 1,5 tỷ đồng. Các chỉ số doanh thu hay chi phí tài chính gần như đi ngang, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PMB cũng chỉ đạt 85,4% so với năm trước.
Kết quả lãi sau thuế 13 tỷ đồng, tăng hơn 2,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 25,2% so với năm trước của PMB có sự đóng góp lớn từ 8,1 tỷ đồng thu nhập quà tặng khuyến mãi của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí-CTCP.