Sáng nay 19/2 tại Hội trường, Quốc hội thống nhất thông qua toàn văn Nghị quyết với 454/458 đại biểu, chiếm 94,98% số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết tháo gỡ cho các quyết sách quan trọng tại Nghị quyết số 57/NQ-TW và các chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.
Viên chức được lập, điều hành doanh nghiệp khoa học và thương mại hóa nghiên cứu
Theo Nghị quyết, Quốc hội thống nhất về mặt chủ trương thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Đáng chú ý, viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.

Với 94,98% số đại biểu tán thành, Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho khoa học và công nghê, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ảnh: NT).
Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.
Liên quan đến trách nhiệm người tham gia nghiên cứu khoa học, nhà khoa học, do tính chất đặc thù của khoa học và việc nghiên cứu khoa học, Nghị quyết của Quốc hội thống nhất: Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Điều kiện là họ đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng.
Về kinh phí do Nhà nước cấp từ ngân sách, Nghị quyết Quốc hội nhấn mạnh: Ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ khoa học và công nghệ.
Việc lập dự toán và phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gồm dự toán kinh phí cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp và dự toán kinh phí cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ mở mới.
Các dự toán ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ mở mới hằng năm được xây dựng trên cơ sở dự kiến số lượng nhiệm vụ mở mới của năm kế hoạch, kinh phí trung bình theo năm của các nhiệm vụ đã được mở mới trong năm trước năm lập kế hoạch và ước kinh phí tăng thêm khi có thay đổi các chính sách, chế độ có liên quan và điều chỉnh do lạm phát, giảm phát;
Kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp hằng năm để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ được cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của quỹ tại Kho bạc nhà nước.
Về các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của nhà nước được thành lập theo quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ bao gồm: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Các quỹ phát triển khoa học và công nghệ phải được định kỳ đánh giá hiệu quả hoạt động phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ.
Nhà nước khoán chi kinh phí đến sản phẩm cuối cùng
Các cơ quan, đơn vị được giao quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, triển khai tài trợ, hỗ trợ, cấp kinh phí cho các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ bảo đảm đúng tiến độ, chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá để bảo đảm việc sử dụng kinh phí của các tổ chức chủ trì đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ giải ngân.

Quốc hội ban hành hàng loạt cơ chế về thí điểm chính sách đặc thù cho khoa học và công nghệ (Ảnh: NT).
Đáng chú ý, liên quan đến chủ trương khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được nhiều đại biểu, chuyên gia quan tâm, Nghị quyết của Quốc hội xác định: Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện khoán chi, trừ kinh phí chi mua tài sản được trang bị để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thuê dịch vụ thuê ngoài và đoàn đi công tác nước ngoài.
“Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có cam kết về sản phẩm của nhiệm vụ với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được”, Nghị quyết của Quốc hội nêu.
Trên cơ sở dự toán kinh phí tại thuyết minh nhiệm vụ do tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, cơ quan có thẩm quyền thẩm định và quyết định kinh phí ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ xác định mức kinh phí khoán đối với các nội dung chi được khoán.
Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán; được điều chỉnh các nội dung chi; được quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận.
Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ chịu trách nhiệm đảm bảo việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chịu trách nhiệm giải trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.
Liên quan đến thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Đối với tài sản là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước mà tổ chức được giao quyền quản lý, sử dụng là cơ quan, tổ chức, đơn vị theo dõi riêng tài sản, không hạch toán chung vào tài sản của tổ chức, không phải xác định nguyên giá, giá trị còn lại, khấu hao, hao mòn tài sản.
Các đơn vị nghiên cứu được tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm sử dụng tài sản không cần định giá trong việc cho thuê, chuyển giao quyền sử dụng, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới. Khi thực hiện nội dung quy định tại điểm này, không cần lập đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Được bán, chuyển nhượng tài sản; góp vốn bằng tài sản để liên doanh, liên kết có hình thành pháp nhân mới thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, khoản chi dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Đối với chủ trương hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên được lựa chọn để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì được hỗ trợ như:
Được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31 tháng 12 năm 2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng;
Trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án, hằng năm được trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để bổ sung cho dự án. Tổng số tiền trích lập không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án.
Dự án được giao đất bằng hình thức giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
Nghị quyết của Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp đó. Các chính sách hỗ trợ quy định tại Điều này được áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030.