Làm rõ khả năng bố trí vốn nhà nước cho cao tốc Nam Định – Thái Bình
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP dự kiến sử dụng khoảng 9.312 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet). |
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP.
Thống nhất phương án đầu tư PPP
Tại văn bản này, Bộ GTVT cơ bản thống nhất về sự cần thiết đầu tư Dự án như đề xuất UBND tỉnh Thái Bình và thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Bình nghiên cứu, cập nhật nội dung Nghị Quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị Quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cơ quan được giao đầu mối lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cũng được khuyến nghị bổ sung thuyết minh về hiện trạng kết nối giao thông từ Ninh Bình đến Hải Phòng (Quốc lộ 10, Quốc lộ 37B, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Bắc – Nam phía Đông); trên cơ sở số liệu lưu lượng xe trên tuyến hiện hữu, khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải, thời điểm mãn tải,… dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến cao tốc để làm rõ thêm về tính cấp bách, cần thiết phải sớm đầu tư Dự án.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cơ bản thống nhất nội dung phân tích về lợi thế của việc đầu tư dự án theo phương thức PPP.
“Để làm rõ hơn về lợi thế của việc đầu tư Dự án theo phương thức PPP, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình bổ sung phân tích thêm về phân chia rủi ro giữa Nhà nước và Nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, khai thác Dự án; đánh giá sơ bộ khả năng cân đối nguồn vốn nhà nước; bên cạnh đó, do dự án đầu tư tuyến mới nên có sự lựa chọn cho người sử dụng”, Bộ GTVT kiến nghị.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Thái Bình, Dự án có điểm đầu khớp nối với Dự án đầu tư cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định trên tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng (UBND tỉnh Nam Định là cơ quan chủ quản), điểm cuối khớp nối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư.
Trong văn bản tham gia ý kiến, Bộ GTVT cơ bản thống nhất về phạm vi Dự án nhưng vẫn đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo tư vấn là rõ phạm vi đầu tư hoàn chỉnh nút giao đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định để tránh trùng lặp với Dự án đầu tư cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định.
Thời gian hoàn vốn quá dài
Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình đã có Tờ trình số 54/TTr-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình dự kiến sử dụng khoảng 9.312 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm 49,5% sơ bộ tổng mức đầu tư) trong cơ cấu tổng mức đầu tư Dự án, gồm vốn ngân sách trung ương khoảng 6.206 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 3.106 tỷ đồng (trong đó: tỉnh Nam Định 1.643 tỷ đồng, tỉnh Thái Bình 1.462 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, trong tờ trình và hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án chưa có nội dung thuyết minh, đánh giá về khả năng bố trí vốn nhà nước.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đánh giá khả năng cân đối và bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương theo thẩm quyền.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công cấp tỉnh chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với phần vốn ngân sách địa phương trong trường hợp dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
“Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình và tỉnh Nam Định hoàn thiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối của địa phương, gửi Hội đồng thẩm định để tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định”, văn bản Bộ GTVT nêu rõ.
Liên quan đến khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, Bộ GTVT cho biết, theo hồ sơ trình, mức giá khởi điểm dự kiến 2.100 đồng/km/xe nhóm 1 vào năm 2027 là cao hơn mức giá ở các dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, cao tốc TP. HCM – Mộc Bài có quy mô tương tự.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, tính toán dự kiến cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật, tương đồng với các dự án có quy mô tương tự.
Về thời gian thu hồi vốn, theo kết quả tính toán theo Tờ trình số 54/TTr-UBND của UBND tỉnh Thái Bình, Dự án có thời gian thu hồi vốn 31 năm. Bộ GTVT cho rằng thời gian thu hồi vốn như trên là khá dài so với các dự án PPP đã và đang triển khai đầu tư.
Trong bước tiếp theo, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn rà soát, tính toán kỹ nhu cầu vận tải; bên cạnh đó, căn cứ kết quả khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn để tính toán, lựa chọn các giải pháp thiết kế phù hợp, bảo đảm kinh tế – kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu tư nhằm rút ngắn thời gian thu hồi vốn, nâng cao hiệu quả tài chính của Dự án.