Hưng Yên dành hơn 9.200 tỷ đồng xây dựng tuyến đường kết nối di sản dọc sông Hồng
HĐND tỉnh Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 368/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng.
Theo nghị quyết, Dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng qua huyện Văn Giang, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động và thành phố Hưng Yên. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 9.275 tỷ đồng từ ngân sách Tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 – 2027.
Với mục tiêu xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thiết yếu của tỉnh Hưng Yên nói riêng, của khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt. Dự án sẽ nâng cao nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân và khai thác được quỹ đất dọc hai bên tuyến, phát triển và hình thành các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ du lịch… thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên.
Quy hoạch xây dựng vùng dọc tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên đến năm 2040. Nguồn: Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. |
Tuyến đường có điểm đầu tại Km0+000, ranh giới tỉnh Hưng Yên và Hà Nội tại Km76+984 trên đường ĐT.378 (đê sông Hồng), xã Xuân Quan, huyện Văn Giang; điểm cuối khoảng Km55+680 giao đê tả sông Hồng tại Km133+500, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng L=55,68 km, quy mô đường cấp 2 đồng bằng.
Trên tuyến dự kiến sẽ xây dựng 2 cầu vượt qua kênh thủy lợi tại Trạm bơm Liên Nghĩa, Trạm bơm Nghi Xuyên và cầu Nghi Xuyên phù hợp với quy mô qua sông, kênh thủy lợi. Thiết kế các nút giao bảo đảm phù hợp quy hoạch, bảo đảm an toàn giao thông và năng lực thông xe qua các nút giao.
Dải phân cách bó vỉa và được trồng cây xanh tạo cảnh quan trên dải phân cách giữa. Mở dải phân cách giữa tại các vị trí quy hoạch có các đường ngang lớn và các điểm quay xe tại các khu đô thị. Các đoạn qua khu đô thị xây dựng vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng 5,0m. Trên hè lát đá, lát gạch, bên dưới bố trí các công trình ngầm (đường ống thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện). Dọc hai bên hè đường bố trí các hố trồng cây với khoảng cách giữa các hố trung bình 8,0m.
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh báo cáo các cơ quan Trung ương, bộ, ngành có liên quan xem xét, thẩm định và quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật khi đã bảo đảm về nguồn vốn để triển khai thực hiện. Việc tổ chức triển khai thực hiện dự án bảo đảm theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành có liên quan bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư. Triển khai dự án cần tính toán thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để bảo đảm yếu tố an toàn, ổn định của công trình và yếu tố kinh tế – kỹ thuật của dự án.
Đánh giá đúng hiện trạng dự án, tổng mức đầu tư, hướng tuyến, vị trí của dự án; bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật xây dựng, định mức chi phí, suất đầu tư, thiết kế xây dựng. Tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành Trung ương liên quan đến dự án, nhất là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đoạn tuyến ngoài bãi sông Hồng tại địa phận thành phố Hưng Yên, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình, đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng trước khi quyết định đầu tư dự án…
Đây được xác định là công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của tỉnh Hưng Yên nhằm kết nối các di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng theo trục Thăng Long – Phố Hiến – Tam Chúc – Bái Đính – Chùa Hương, kết nối giao thông vùng Hà Nội – Hưng Yên – Hà Nam – Ninh Bình. Là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX.