Tại Kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.
Năm 2024, tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, dự kiến vượt và đạt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Năm 2025, Hải Dương xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh Hải Dương đã xây dựng 15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng.
Cụ thể, các chỉ tiêu về kinh tế gồm tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trên 10%; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 30%; thu ngân sách nội địa tăng 10% so với dự toán; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 212 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 20,2%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10% so với thực hiện năm 2024; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%.
Các chỉ tiêu về xã hội gồm tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 33%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 55%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 95%; tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia mầm non 79,7%, tiểu học 98,7%, THCS 95%, THPT 90,2%. Số giường bệnh (không tính các trạm y tế cấp xã) đạt 33,8 giường/1 vạn dân; 13 bác sĩ/ 1 vạn dân; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2025 còn 0,43%.
Chỉ tiêu về môi trường gồm 100% các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; tỷ lệ các dự án thuộc đối tượng được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt 100%.
Đồng thời, Hải Dương cũng đề ra 18 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của các ngành, lĩnh vực. Theo đó, tổ chức rà soát và điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch chuyên ngành phù hợp với quy hoạch tỉnh. Trình thẩm định và phê duyệt đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương.
Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh, tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.
Cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Rà soát và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thu hút đầu tư phát triển hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên nhà đầu tư có công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, công nghiệp hỗ trợ.
Hải Dương xác định điều hành ngân sách chủ động, tiết kiệm ngay từ đầu năm 2025; tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản, thiết yếu, đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, việc thực hiện các mục tiêu Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và tổ chức Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các công trình y tế, giáo dục, văn hóa và bảo vệ môi trường; khai thác hiệu quả không gian phát triển mới.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án y tế, giáo dục; tiếp tục rà soát đầu tư xây dựng phòng học thiếu các cấp học; đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế cấp huyện, bếp ăn bán trú, nhà vệ sinh trường học.
Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới giáo dục và đào tạo, gắn với thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thực hiện hiệu quả Chương trình phát huy giá trị văn hoá Xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện thủ tục đất đai…
Trọng Tùng