Theo UBND Thành phố Hà Nội, Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội nhằm cụ thể hóa định hướng các đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và HĐND, UBND Thành phố…
Dự kiến, phân khu chức năng chính (theo Tờ trình số 330/TTr-UBND của UBND Thành phố về việc thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định số 1054/QĐ-TTg) gồm:
Khu vực các phân khu chức năng chính nằm ở phía Bắc, Tây và Đông Nam khu vực nghiên cứu, tiếp giáp các trục đường trục chính từ hướng Bắc, hướng Tây và trục giao thông chính trong khu vực nghiên cứu, với các khu vực phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, giáo dục, đào tạo và ươm tạo công nghệ cao… kết hợp cảnh quan và nhà lưu trú.
Khu vực dịch vụ phụ trợ tập trung ở phía Nam khu vực nghiên cứu, tiếp giáp tuyến đường Tây Thăng Long và một phần nằm ở phía Đông khu vực nghiên cứu; có công trình thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, bệnh viện…
Khu cây xanh công viên và hồ điều hòa nằm ở trung tâm khu vực nghiên cứu, là khu vực không gian mở tập trung cho toàn bộ dự án; Khu hạ tầng kỹ thuật nằm ở phía Bắc và Đông Bắc khu vực nghiên cứu, tập trung trạm điện, bể chứa nước, nhà máy xử lý nước thải, khu vực tập trung rác thải tạm thời…
Thành phố cho biết về định hướng phát triển quy hoạch, Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội sẽ có chức năng thực hiện hoạt động công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam (ưu tiên lĩnh vực công nghệ sinh học); khu vực nghiên cứu lập quy hoạch nằm trong khu vực quy hoạch chức năng sử dụng đất là đất Khu công nghệ cao.
Các ô đất quy hoạch xây dựng công trình đều có phần “lõi” là không gian mở hình thành bởi cây xanh vườn dạo, đường nội bộ…; liên kết với trục không gian chủ đạo Bắc – Nam của toàn khu, hoặc không gian mở của các tuyến đường phân khu vực; định hướng kiến trúc được thiết kế hiện đại, phần cao tầng thống nhất hài hòa với công trình lân cận, phần đế kết hợp với cây xanh và công trình thấp tầng hợp lý.
Dự án nằm trên trục đường đại lộ lớn Tây Thăng Long (theo trục phát triển kinh tế Hồ Tây – Ba Vì), do vậy có thể xem xét nghiên cứu quy hoạch các công trình điểm nhấn mang tính biểu tượng của dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (quy hoạch một số công trình điểm nhấn quan trọng kết nối từ trục đường Tây Thăng Long đến khu công viên trung tâm: có tầng cao từ 1 tầng đến tối đa 25 tầng) phù hợp chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 74/TB-VP.
Thời gian lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 không quá 9 tháng, tính từ ngày phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu.