Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết năm 2023, toàn TP có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi.
Trong đó, số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT là 881.831 thí sinh (trong đó có 3.361 thí sinh tự do); số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên là 13.264 thí sinh (trong đó có 293 thí sinh).
Năm 2023, Hà Nội có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi. |
Dự kiến Hà Nội bố trí 4.263 phòng thi tại 189 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có 176 phòng thi ghép, số phòng chờ là 170 phòng, số phòng thi dự phòng là 378 phòng.
Cùng với đó, điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi; dự kiến điều động gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn, tập huấn công tác coi thi, thanh tra thi; tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan và các quận, huyện thị xã hoàn thiện công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo tổ chức kỳ thi;
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi tình hình diễn biến của dịch bênh, mưa bão, cung cấp điện để triển khai tổ chức kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi.
“Hà Nội sẽ tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các thí sinh tham dự kỳ thi”, ông Trần Thế Cương khẳng định.
Bên cạnh đó, Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học, công bố từ đầu năm học để các địa phương được chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kỳ thi, tuyển sinh của địa phương.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể hơn về “các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân” cho phép thí sinh mang vào phòng thi; có hướng dẫn danh mục máy tính cầm tay được mang vào phòng thi.
Với đặc thù của tỉnh Sơn La có địa bàn rộng, địa hình vùng núi khó khăn, 80% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, ngay từ đầu năm học, tỉnh Sơn La đã kịp thời triển khai các công tác chuyên môn để tập trung ôn tập cho các em học sinh khối lớp 12.
Công tác chuẩn bị điều kiện cho các kỳ thi được triển khai kịp thời, đầy đủ, đảm bảo đúng Quy chế, hướng dẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.
Tính tới thời điểm hiện tại, các điều kiện để tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT cơ bản đã đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, công tác đăng kí dự thi của các thí sinh được triển khai đúng kế hoạch, được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, đảm bảo việc đăng kí dự thi diễn ra thuận lợi, hạn chế tối đa sai sót, sơ suất, đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh.
Xác định tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 là nhiệm vụ quan trọng của địa phương do đó các công tác chuẩn bị được tỉnh Hòa Bình triển khai từ rất sớm. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã thực hiện 2 đợt thi thử nhằm đánh giá sơ bộ chất lượng các thí sinh tham dự kỳ thi năm nay.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, kỳ thi tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh, khoảng 250 nghìn người tham gia công tác tổ chức thi, tổ chức ở các vùng miền địa hình khác nhau, nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn cần phải có kế hoạch, giải pháp.
Cùng với đó, kỳ thi có thể xảy ra nhiều tình huống bất thường, chưa có tiền lệ, từ thiên tai, thời tiết, đến phương tiện kỹ thuật, yếu tố con người – cần lường trước để rà soát tối đa.
Lưu ý về các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi, Thứ trưởng nhấn mạnh cần chuẩn bị đầy đủ, tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm về điện cho Kỳ thi; đặc biệt công tác in sao đề thi, làm phách, chấm thi – làm sao cán bộ làm công tác này bảo đảm sức khỏe, thoải mái về tinh thần để làm tốt. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả đáng tiếc.
Về nhân lực tham gia Kỳ thi, theo ông Phạm Ngọc Thưởng, dù cơ sở vật chất chuẩn bị tốt, đầy đủ đến đâu, nhưng quyết định, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, từ khâu lựa chọn đến tập huấn, nhắc nhở giám sát…
Đối với công tác phối hợp, Thứ trưởng cho tằng: Với quy mô lớn như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, phải có sự phối hợp của nhiều bộ ngành, thậm chí cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu chung là vì học sinh. Để công tác phối hợp tốt, cơ quan thường trực là Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động đề xuất.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, Thứ trưởng nhấn mạnh tinh thần phát hiện, ngăn ngừa, lấy phòng ngừa là chính để bảo vệ cán bộ, học sinh, bảo vệ Kỳ thi và mọi khâu của Kỳ thi đều phải có kiểm tra, giám sát.
Đối với công tác truyền thông, tuyên truyền, Thứ trưởng lưu ý, truyền thông trọng tâm, trọng điểm; trong đó chú trọng truyền thông những nội dung mà nhiều người dân, thậm chí cán bộ, giáo viên, học sinh không biết, như đề thi khi chưa hết thời gian làm bài thuộc cấp độ bí mật nhà nước, lộ đề có thể xử lý hình sự.
Cùng với đó, truyền thông về công tác chuẩn bị, công tác thanh tra kiểm tra, về việc tạo mọi điều kiện cho thí sinh dự thi. Trong quá trình chuẩn bị cho tổ chức Kỳ thi, các địa phương cần lường trước các tình huống cực đoan về thời tiết để chủ động có phương án xử lý.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh đặc biệt đến việc quan tâm hỗ trợ thí sinh, để không thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hay giao thông cách trở mà không đến dự thi được; chế độ thông tin báo cáo trong thực hiện nhiệm vụ phải kịp thời theo quy định; chỉ đạo tốt công tác chuẩn bị điều kiện về hồ sơ, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tại hội nghị, lưu ý “4 đúng”, “3 không” một lần nữa được Thứ trưởng nhắc lại. Theo đó, “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử ly tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.