Hà Nội dự kiến hoàn thành 164 dự án phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội trong năm 2023
TP. Hà Nội sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, hệ thống các cầu vượt sông Hồng, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị…
Năm 2023, dự kiến hoàn thành 164 dự án
Tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII, sáng 14/6, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải đã trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ TP. Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, kinh tế – xã hội Thủ đô đã dần phục hồi sau đại dịch Covid -19, các nhiệm vụ trọng tâm được khẩn trương triển khai thực hiện, đạt được kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2023, TP. Hà Nội dự kiến hoàn thành Cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội; khởi công đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội… |
Cụ thể, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm (2021-2022), GRDP tăng 5,86% cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%).
Tái cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh; dịch vụ tăng nhanh cả trong cơ cấu GRDP và cơ cấu lao động xã hội; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được chú trọng. GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người (khoảng 5.950 USD), tăng 18,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 7,07%/năm.
Thu ngân sách được đảm bảo và vượt dự toán hằng năm. Chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; kịp thời bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, giai đoạn 2021-2022, khoảng 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 207.000 tỷ đồng, đạt 58,7% dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ (trong đó, thu nội địa đạt 197.000 tỷ đồng, bằng 60,7% so dự toán).
Thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng hoàn thiện nhiều nội dung lớn, mang tính chiến lược quan trọng, tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược.
Về phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh. Giai đoạn 2021-2022, đã hoàn thành 218 dự án (19 cấp Thành phố; 199 cấp huyện); năm 2023, dự kiến hoàn thành 164 dự án (6 dự án cấp TP; 158 dự án cấp huyện). Nhiều công trình lớn, quan trọng hoàn thành hoặc đã khởi công: Vận hành đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; đường Vành đai 2 trên cao.
Trong năm 2023, dự kiến hoàn thành Cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội; khởi công đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội…
Về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô, TP. Hà Nội đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô; Dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô…
Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố, theo đó, điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện tại 09 lĩnh vực; quy định chi tiết phân cấp quản lý nhà nước 16 ngành, lĩnh vực, đồng thời, đã thực hiện ủy quyền đối với 617 thủ tục hành chính (TTHC), đạt tỷ lệ 37% tổng số TTHC toàn Thành phố với 531 quyết định ủy quyền và 485 quy trình nội bộ.
Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Đào tạo là chỉ số thành phần của PCI của Thủ đô luôn trong top 5 của cả nước. Có 4 trường Cao đẳng nghề được quan tâm đầu tư, một số nghề trọng điểm hướng tới trường đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, trong đó, lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%.
Công tác phát triển văn hóa – xã hội được chú trọng quan tâm. Đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa; Triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội tiếp tục giữ vững là lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
An sinh xã hội được đảm bảo; phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị,các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch Covid-19….
Công tác quy hoạch được quan tâm, phát triển hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh. Đã hoàn thành và trình Thủ tướng phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong năm 2022), đã báo cáo trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tại kỳ họp lần thứ 12 thông qua Đề cương định hướng để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đã trình thẩm định xong Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển. Mạng lưới giao thông được tổ chức lại góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng.
Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII đã khai mạc sáng 14/6. |
Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng
Bên cạnh các kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho hay, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
Về tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã đề ra, nhưng mức tăng này thấp hơn so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội là tăng từ 7,5-8,0% và năm 2023 là 7,0%.
Huy động nguồn lực chưa đáp ứng mục tiêu thu hút xã hội hóa đề ra; tiến độ triển khai các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội còn chậm.
Tiến độ triển khai một số quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ triển khai còn chậm (mới hoàn thành 2 dự án). Một số dự án hạ tầng trọng điểm chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra (tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; các dự án mạng cấp nước khu vực nông thôn…).
Việc xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao còn thiếu đồng bộ, liên kết để khai thác hiệu quả của các thiết chế, chưa phát huy được công suất hoạt động. Việc ban hành các cơ chế huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao còn chậm. Kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng còn chậm;
Chuyển đổi số còn chậm; Hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, về phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra.
Tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên các loại tội phạm khác vẫn phức tạp, nhất là về tín dụng đen, lừa đảo qua mạng…
Do đó, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. TP sẽ tập trung hoàn thiện thế chế, chính sách phát triển Thủ đô, triển khai các Kế hoạch, chương trình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về chiến lược phát triển dài hạn, đặc biệt là Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô…
Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, hệ thống các cầu vượt sông Hồng, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị.
Xây dựng hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là lực lượng sản xuất chính, là động lực hàng đầu, làm tiền đề và điều kiện tiên quyết cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
TP. Hà Nội coi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài, hiền tài là nguồn lực cơ bản, mang tính hiệu quả và đột phá nhất. Tiếp tục nghiên cứu làm rõ nội hàm và định hướng phát huy nguồn lực nhân văn của Thủ đô Hà Nội trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô và trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi.
Về phát triển kinh tế, Thành phố xác định giữ ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế, tu bổ, tôn tạo di tích…