Cần cơ chế đặc thù để gỡ các dự án đường sắt đô thị
Chiều nay 14/2 tại thảo luận ở tổ của Quốc hội về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Phi Thường, Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội (Ảnh: NT).
Tại thảo luận ở tổ, cho ý kiến vào cơ chế chính sách đặc thù của Chính phủ đề xuất cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chủ trương đầu tư đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, đoàn ĐQBQH TP. Hà Nội cho rằng: “Chuyển giao công nghệ, chủ động nguồn nhân lực để Việt Nam tiếp nhận các dự án này là vấn đề rất lớn”.
“Hàng loạt vấn đề chúng ta chưa lường trước được”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói và cho biết rằng, tại các dự án như điện hạt nhân, đường sắt đô thị, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác mà ta chọn để chuyển giao công nghệ, hợp tác phát triển.
Vì vậy, để tạo điều kiện chủ động, ông Thường đề xuất có cơ chế đặc biệt “trao” cho Thủ tướng Chính phủ hoặc doanh nghiệp là chủ đầu tư chủ động đàm phán chuyển giao công nghệ, hợp tác với các đối tác hợp tác phát triển.
“Cần có cơ chế trao cho Thủ tướng thẩm quyền để thương lượng với đối tác. Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp EVN và PVN được danh chính ngôn thuận có quyền thương lượng với đối tác về các điều khoản khác nhau, từ đó mới ra được các nội dung hợp tác, các kỹ thuật, công nghệ, tiền ra sao, chuyển giao cái gì…?”, ông Thường nêu.
Liên quan đến Nghị quyết về cơ chế đặc biệt để phát triển đường sắt đô thị, ông Thường cho biết: Tiến độ rất khẩn trương, nguồn lực rất lớn nhưng với cung cách làm như hiện tại thì không thể làm được. Chính vì vậy, hiện 20 cơ chế chính sách liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, 7 cơ chế chính sách liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ được đưa vào cơ chế đặc thù. Ông cho rằng, đó là sự cần thiết, bởi nếu không có cơ chế đặc thù, không thể làm được đúng mục tiêu.
Liên quan đến hình thức chỉ định thầu tư vấn, tổng thầu EPC “chìa khóa trao tay” cũng nên áp dụng, song cần áp dụng đa dạng hình thức đầu tư.
Về phát triển đường sắt đô thị theo hình thức TOD (giao thông công cộng kết hợp với phát triển chuỗi đô thị), Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng: Trước đây, chúng ta chưa chú trọng phát triển hệ thống đô thị ở các công trình giao thông nên đường làm đến đâu, nhà dân mọc đến đó, không có quy hoạch. Hệ lụy, giá nhà đất tăng mạnh, địa phương không thu được tiền.
Xung quanh các nhà ga không được xây dựng thành TOD, không tạo thành các “phễu” để hút nguồn lực, hành khách. Điều này là nguyên nhân khiến phần nào các dự án đường sắt đã triển khai giảm sút sức hút.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội)
Tăng trưởng năm 2025: Cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng rất cao
Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, theo Đại biểu Thường, muốn tăng trưởng kinh tế trên 8%, phấn đấu hai con số từ năm 2026, chúng ta phải có nguồn lực phát triển mới, bền vững, trọng tâm là đi sâu vào công nghệ cao.
“Muốn có 1% tăng trưởng thì phải có 1,5% phát triển công suất hệ thống điện. Theo quy hoạch điện VIII, năm 2025 công suất điện của Việt Nam là 80 triệu MW, sau 5 năm nữa, ta phải nâng công suất lên gấp đôi 150.000 MW, chúng ta tập trung vào công nghệ cao thì đòi hỏi điện ổn định, cao hơn các ngành công nghệ cao như hóa dầu”, Đại biểu Thường nêu.
Ông Thường nhấn mạnh, muốn có tăng trưởng cao, cần phát triển các ngành công nghệ cao và để phát triển công nghệ cao thì đòi hỏi nguồn điện lớn, ổn định là bắt buộc. Trong đó yêu cầu nguồn điện nền ổn định, nguồn điện xanh, sạch…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, năm 2025, nước ta có rất nhiều cơ hội đang mở ra để tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh song cũng có rất nhiều thách thức đặt ra.
“Năm 2024 tăng trưởng 7,09% dựa trên nền năm 2023 chỉ 5,04%, năm 2025 đặt mục tiêu 8% trên nền 7,09% là vô cùng khó”, ông Cường bày tỏ.
Theo Đại biểu Cường, nhìn lại lịch sử kinh tế Việt Nam cứ năm trước tốc độ tăng trưởng thấp thì năm sau sẽ dễ cao hơn, còn năm trước đã tăng trưởng cao vượt bậc rồi thì năm sau rất khó để tạo bứt phá. Đấy là cái khó khăn mà chúng ta có thể nhìn thấy, để vượt qua đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực, quyết tâm rất lớn, theo ông Cường.
Một thách thức rất lớn khác cho tăng trưởng đó là năm 2025 là năm chúng ta phải đồng thời tiến hành vô cùng nhiều nhiệm vụ lớn, trong đó có việc tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy; thực hiện các công việc chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2026-2030…
“Một loạt những nhiệm vụ lớn như vậy có thể sẽ khiến phân tâm, phân tán các điều kiện, các nguồn lực. Chúng ta đang đứng trước các cơ hội rất lớn, nhưng thách thức cũng rất là cao. Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên là nghị quyết bắt buộc chúng ta phải dồn sức vào tìm cách vượt qua các khó khăn để chớp thời cơ. Nếu chúng ta làm được điều đấy thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu 8%”, đại biểu cho hay.
Vừa qua, Chính phủ cũng có nghị quyết giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng địa phương, các công việc phải hoàn thành cho từng ngành. Ông cho rằng, nếu chúng ta hành động đồng bộ được như thế thì sẽ tạo ra xung lực góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng chung.
Về giải pháp, đại biểu Cường đồng tình với các giải pháp được Chính phủ đề cập. Nhấn mạnh thêm, phải tiếp tục tháo gỡ rào cản về mặt thể chế để hỗ trợ các điều kiện cho khu vực tư nhân phục hồi nhanh.
Đồng thời với đó, đầu tư công năm 2025 là rất lớn, chúng ta không nên chỉ dừng lại đầu tư cho các lĩnh vực về hạ tầng mà phải chuyển sang đầu tư cả cho khu vực về sản xuất.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển khu vực bất động sản, bởi nếu thị trường bất động sản tháo gỡ nhanh, các dự án bất động sản sớm được đưa vào khởi công, phát triển nhanh thì sẽ tạo động lực tốt.