“Mục tiêu hướng tới tăng trưởng GDP hai con số trong năm 2025 hoàn toàn khả thi, nếu Việt Nam khắc phục những bất cập hiện tại và tận dụng tốt các động lực mới. Dù vẫn còn một số hạn chế, GDP Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 7%, vậy nếu làm đúng sẽ còn tăng lên 1 – 2%. Từ kết quả này, để GDP tăng trưởng lên hai con số, hai động cơ cần bổ sung thêm chính là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Thứ nhất, thúc đẩy khoa học và công nghệ là điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Việt Nam cần ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ nội địa, tạo thị trường cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Một số chính sách hiện nay vẫn ưu tiên công nghệ G7, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Để khuyến khích phát triển công nghệ nội địa, không phải chỉ cần hỗ trợ tài chính mà còn phải tạo cơ chế thị trường, tăng cường kiểm soát hàng hóa giả, phi tiêu chuẩn tràn vào Việt Nam, bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Chuyển đổi xanh là điều kiện bắt buộc Việt Nam cần đáp ứng để tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đang xuất khẩu hàng chục tỷ USD nông sản mỗi năm, nhưng các doanh nghiệp ngày càng đối mặt với các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn bền vững trong xuất khẩu, điều này gắn liền với các tín chỉ carbon.
Hai năm trước, giá tín chỉ carbon tại EU là 90 Euro/tấn; nay trên một số sàn giao dịch tự do, con số này đã tăng lên 150–160 USD/tấn. Nhiều người lo ngại tín chỉ carbon sẽ là một trở ngại và đúng là như thế, nhưng thực tế, nếu nhận diện đúng và khai thác hiệu quả, đây sẽ là một động lực mới thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ hai, hệ thống quản lý kinh tế cần cải cách toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển. Hệ thống quản lý phát triển kinh tế của Việt Nam hiện tại xuất phát từ mô hình quản lý kinh tế tập trung. Mấy chục năm qua, Việt Nam đã điều chỉnh các quy định để phù hợp với quá trình hội nhập, góp phần vào các thành tựu kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, nếu duy trì cách quản lý hiện tại, sẽ khó đạt được các mục tiêu lớn.
Thứ ba, cần thay đổi phương thức quản lý theo hướng lấy kết quả làm mục tiêu, tinh gọn trình tự thủ tục, tập trung vào kết quả cuối cùng, như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh. Nếu quản lý bằng kết quả cuối cùng thì các thủ tục sẽ đơn giản và nhanh gọn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, quản lý theo kết quả còn giúp giảm rủi ro về hành chính cho cán bộ công chức.
Có dự án phải mất đến 5 – 7 năm để được phê duyệt, điều này cản trở nỗ lực phát triển. Vì vậy, cần thiết kế lại toàn bộ hệ thống quản lý, tối ưu hóa quy trình và rút ngắn thời gian phê duyệt dự án.
Thay đổi cách quản lý sẽ giúp bộ máy phát triển trơn tru cũng là yếu tố giúp cải thiện tăng trưởng GDP lên 1 – 2%. Cùng với các cơ hội do chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mang lại, tăng trưởng GDP 10 – 11% hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Chưa kể trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước, đầu tư công không giải ngân hết, năm nào cũng còn 50 – 60% có nghĩa dư địa tăng trưởng còn lại”.
“Bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 phiên toàn thể năm 2025 (VESF 2025) đã chọn chủ đề và hướng các ý kiến tập trung bàn thảo về các giải pháp đột phá nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
VESF 2025 đã ghi nhận rất nhiều những ý kiến trăn trở, băn khoăn về nền kinh tế của đất nước trong năm 2025 và triển vọng 2026 – 2030, nhưng điều đáng kỳ vọng hơn nữa là Diễn đàn đã có những ý kiến đột phá, từ việc phát triển các vùng kinh tế đến đề xuất đầu tư vào các trung tâm tài chính, gắn liền giữa chỉ tiêu carbon với công nghệ, giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, phát triển những khu vực trọng điểm thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước; thiết lập các chính sách ưu đãi như miễn thuế, visa thuận lợi, và các khu vực kinh tế tự do (free zones), lấy tiền của đầu tư công chuyển cho tư nhân làm…
Đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, đặc biệt là các chỉ tiêu kinh tế quan trọng cho giai đoạn 2026-2030, một số ý kiến đã cho thấy sự băn khoăn về tính khả thi, trong khi quyết tâm và hành động cụ thể để thực hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo tôi, Việt Nam chỉ cần làm đúng những điều mà Việt Nam chưa làm đúng và hiện chỉ làm được trên 50% thôi thì tăng trưởng hai con số là không khó.
Mặc dù vậy, những băn khoăn, trăn trở đó cho thấy hội nghị cần tập trung hơn vào việc phân tích nguyên nhân của các hạn chế và xây dựng lộ trình cụ thể, nhằm đạt được sự đồng thuận và khẳng định quyết tâm thực hiện, đảm bảo các giải pháp đưa ra không chỉ khả thi mà còn phải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan.
Tôi đã thay mặt doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi quỹ phát triển nhân tài, để có thể cùng với Nhà nước thực hiện chiến lược phát triển và chúng tôi không cần “vốn mồi” của Nhà nước. Nhân tài ở đây phải hiểu theo ý nghĩa là cả các sinh viên, cả người có tuổi muốn cống hiến. Doanh nghiệp cũng đừng bao giờ hy vọng được “người ta bỏ tiền ra nuôi”. Doanh nghiệp chỉ có thể chứng minh bằng kết quả. Tổng Bí thư có nói rằng chỉ định nghĩa bằng kết quả chứ không thể định nghĩa bằng cái gì khác, cứ làm tốt thì sẽ được ghi nhận.
Kết quả của Diễn đàn sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp trình lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, báo cáo Bộ Chính trị và các cơ quan Trung ương. Chúng tôi tin tưởng những ý kiến đóng góp tâm huyết, sáng kiến, giải pháp đột phá được tổng hợp tại Diễn đàn sẽ góp vào nỗ lực chung của đất nước với mục tiêu kiến tạo và vững bước tiên phong, đưa Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo”.
“Để đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian dài (tức là từ 20 năm trở lên), thì động lực phải đến từ phía cung của nền kinh tế chứ không phải đến từ các động lực của tổng cầu như tiêu dùng, đầu tư ngắn hạn, xuất nhập khẩu.
Phía cung của nền kinh tế đó là phải cải thiện được năng lực sản xuất và hiệu quả sản xuất đến từ năng suất. Trong đó, một động lực mà tất cả các quốc gia trên thế giới thành công thoát bẫy thu nhập trung bình đều phải làm đó là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam không thể trở thành nước thu nhập cao mà chất lượng nguồn nhân lực không cải thiện. Như vậy, từ thực tiễn, giải pháp đột phá của Việt Nam là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, thực tiễn có hai bất cập trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: (i) chi phí đào tạo nhân lực chất lượng cao là không rẻ; (ii) xã hội Việt Nam bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người đi học lại không chấp nhận trả cho chi phí đó. Chẳng hạn muốn phát triển ngành bán dẫn, đào tạo kỹ sư thiết kế bán dẫn mất 4 năm với chi phí đào tạo tối thiểu là 50 triệu đồng, nhưng Việt Nam chỉ muốn mức học phí 10 triệu đồng thì rất khó.
Tôi đề xuất một giải pháp đột phá đó là phải có một chương trình cụ thể theo chuẩn quốc tế. Các chương trình đào tạo cụ thể với từng ngành phải được kiểm định, đạt được chất lượng quốc tế; trường công hay trường tư ở Việt Nam đều được hỗ trợ, sinh viên đào tạo ở các chương trình đó sẽ được cấp học bổng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ nghiên cứu, lấy chuẩn mực cao nhất của quốc tế ứng dụng cho từng chuyên ngành. Các trường thu xếp lực lượng giảng dạy, thiết kế chương trình, tổ chức đào tạo thì Nhà nước và xã hội, doanh nghiệp cùng đầu tư. Điều này vừa không tạo gánh nặng cho cơ quan thực thi, không tạo áp lực thiết kế chính sách phức tạp; đồng thời đạt được chất lượng cao và hiệu quả là có nhiều tài năng của Việt Nam qua các chương trình đạo tạo như vậy sẽ được doanh nghiệp đầu tư”.
“Quy mô kinh tế “xanh” của Việt Nam chỉ ở mức 2% trong toàn bộ nền kinh tế, 98% còn lại vẫn là kinh tế “nâu”. Trong khi đó, lịch sử thế giới muốn tăng trưởng vẫn phải đô thị hóa và công nghiệp hóa. Vì vậy, động lực để tăng trưởng xanh phải nhìn vào cách thức thế giới đang hướng tới nền kinh tế Net Zero.
Từ năm 2009, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, thế giới đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển. Năm 2015, tại thỏa thuận Paris đã khẳng định một lần nữa rằng năm 2022 thế giới sẽ đạt được điều này. Tại COP29 vừa qua, thế giới tiếp tục cam kết hỗ trợ 300 tỷ USD cho các nước đang phát triển và tới năm 2035 sẽ là 1.300 tỷ USD.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn tài chính này theo Thỏa thuận Paris bao gồm tài chính xanh, công nghệ xanh và năng lực xanh, vì không có năng lực nên không hấp thụ được tài chính và công nghệ. Đến nay, Việt Nam cũng chưa sử dụng được nguồn tài chính 15,5 tỷ USD huy động theo Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Mặt khác, các động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng ngày càng được đẩy mạnh, kéo theo phát thải càng lớn và năng lượng sử dụng càng lớn. Điều này là rất thách thức để đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số.
Vì vậy, tôi đề xuất giải pháp đột phá như sau: Việt Nam có thể tham khảo bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc khi thực hiện tự do hóa tại khu vực Thẩm Quyến vào năm 1979. Nếu chỉ thể chế, hạ tầng, năng lực, nguồn nhân lực thì không thể cải cách cả nền kinh tế được, do đó, tôi mong muốn Việt Nam sẽ bắt đầu từ Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để xây dựng đặc khu kinh tế Net Zero, hướng tới mục tiêu tăng trưởng và tăng trưởng xanh.
Đây cũng là cách thức để huy động nguồn tài chính khí hậu thông qua trung tâm tài chính. Để trung tâm tài chính này trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, Việt Nam phải tự do hóa được tài khoản vốn. Các thành phố như Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh không có cơ hội để tự do hóa tài khoản vốn vì rủi ro liên quan đến nền kinh tế. Vì vậy Việt Nam phải có giải pháp đột phá, khác biệt so với truyền thống mới đạt được tăng trưởng hai con số.
Tôi hy vọng Chính phủ nhanh chóng thiết lập đặc khu kinh tế tại ba đảo có quy mô tương đương Singapore và bằng 2/3 Hồng Kông (Trung Quốc). Đây là cơ hội lớn để huy động được nguồn tài chính hải ngoại. Thông qua tín chỉ carbon, tín chỉ đa dạng sinh học, Việt Nam cũng có thể huy động được nguồn lực tài chính.
Tại Hội nghị COP29 vừa qua đã đưa ra một mô hình về tài chính sáng tạo đó là BOT qua tín chỉ carbon và Việt Nam có thể sử dụng tín chỉ carbon để đầu tư hạ tầng xanh. Đây chính là cơ hội của Việt Nam”.
“Về các giải pháp cho thị trường vốn, có một nghịch lý rất lớn trên thị trường vốn Việt Nam. Lãi suất trái phiếu Chính phủ 1,8%/năm, trong khi một doanh nghiệp muốn vay vốn bằng cách phát hành trái phiếu thì phải chấp nhận giá rất cao, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện không còn mức 8%, mà trung bình từ 9-12%.
Từ nghịch lý đó, tôi có một số khuyến nghị để cân bằng thị trường hơn như đưa các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào thị trường vốn. Những nhà đầu tư tổ chức trên thị trường vốn hiện nay chiếm rất rất nhỏ. Chỉ cần hình dung các công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam với tổng tài sản rất lớn (20 tỷ USD) có sẵn trong khi mỗi năm Việt Nam có thêm 5 tỷ USD tiền mới của người dân. Đây là lượng vốn rất lớn sẵn có từ các định chế, chưa kể đến lượng vốn mới bằng cách quy định đưa ra quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Về chính sách tài khóa của Việt Nam, Việt Nam đang rất an toàn với nền ngân sách mạnh mẽ, có sức chống chịu thách thức. Tuy nhiên năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 18%, mức tăng cao hơn thu nhập tăng của người dân. Mức tăng này có phải quá cao không? Một tốc độ có ảnh hưởng đến sức lực của các thành phần khác không?
Mức vay nợ công Quốc hội có đặt giới hạn 65% GDP, nhưng hiện nay mức vay là dưới 40% GDP, đây là dư địa để Việt Nam dùng chính sách tài khóa một cách linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, sáng kiến hơn”.
VnEconomy 13/01/2025 08:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-2025 phát hành ngày 13/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam