Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đã có địa phương xin trả lại vốn
Tính đến hết tháng 5/2023, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 41.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
5 tháng, giải ngân được 22,22% kế hoạch
Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tính đến ngày 25/5/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết kế hoạch năm 2023 là gần 629.000 tỷ đồng, đạt 88,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Chính phủ tập trung thảo luận về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công |
Như vậy, vẫn còn lại hơn 78.000 tỷ đồng vốn chưa được phân bổ chi tiết, chiềm 11,1% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là hơn 36.577 tỷ đồng (của 27/51 bộ, cơ quan trung ương và 42/63 địa phương), vốn cân đối ngân sách địa phương là trên 41.688 tỷ đồng (của 16/63 địa phương).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân của việc còn một số lượng không nhỏ vốn đầu tư chưa được phân bổ chi tiết chủ yếu là do việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.
Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác, như một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội; các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ hoặc đang lấy ý kiến nhà tài trợ để hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư.
Đáng chú ý, đã có trường hợp địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách nhà nước do tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết. Đó là tỉnh Quảng Ninh.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5/2023 là trên 157.095 tỷ đồng, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.172,9 tỷ đồng (35,5%).
Cho đến nay, có 7 bộ, cơ quan và 24 địa phương giải ngân đạt trên 25% kế hoạch; 44 bộ, cơ quan và 29 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
Kiến nghị không phân bổ trên 500 tỷ đồng vốn Chương trình Phục hồi
Liên quan đến tình hình thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 88.800 tỷ đồng.
Trong đó, cho vay tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 18.021 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.724 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 4.302 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện); hỗ trợ 2% lãi suất đạt 327 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 57.067 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện) và hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.
Hơn 88.800 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi đã được chi cho các chính sách hỗ trợ |
Riêng về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng của Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trên 161.848 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2022 là 38.155 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2023 là 108.366 tỷ đồng.
Hiện nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn 14.152 tỷ đồng chưa giao vốn kế hoạch. Trong số này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Quốc hội cho ý kiến đối với phương án phân bổ số vốn 13.369 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao vốn.
Đối với số vốn hơn 782 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án Đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận với số vốn dự kiến bố trí 273 tỷ đồng. Số vốn hơn 509 tỷ đồng còn lại, kiến nghị không tiếp tục phân bổ.
Liên quan đến tình hình giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/5/2023, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình đạt 23.115,824 tỷ đồng, bằng 16,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi, cần được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.