Giá điện đang gánh quá nhiều mục tiêu
Tại tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 7/5, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa nêu rõ 3 bất cập lớn của giá điện hiện nay.
Thứ nhất, giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Nhiều năm qua, giá điện không được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào. Đồng thời, chưa khắc phục được tình trạng mua cao bán thấp.
Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu. Cụ thể, giá điện phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện tăng trưởng, khuyến khích thu hút đầu tư, nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sử dụng điện tiết kiệm. Để bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu này là rất khó, thậm chí một số mục tiêu không thực hiện được trong thực tế.
Thứ ba, cơ chế bù chéo giá điện kéo dài quá lâu khiến chúng ta không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện.

Hệ quả, ngành điện sẽ bị lỗ, bởi mức giá hiện tại không phản ánh đúng giá thành của một kWh điện. Giá điện hiện mang tính bao cấp, làm giảm động lực đầu tư vào ngành điện.
Ông cũng lưu ý thực trạng là ngành điện luôn trong tình trạng dòng tiền âm, tức thua lỗ. Có nghĩa, chúng ta không cân đối được dòng tiền nên rất khó giúp ngành điện tái sản xuất, tái đầu tư và phát triển bền vững, đe dọa đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng.
Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, so sánh, giá điện trung bình của Việt Nam tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng cao hơn Bangladesh và Malaysia.
Ngược lại, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines lại có giá điện cao hơn Việt Nam. Trong đó, giá điện tại Singapore đã tiệm cận mức của Nhật Bản. Tại Thái Lan, sau cải tổ cơ chế giá điện, đặc biệt chuyển sang mô hình tính theo giờ, giá điện trung bình đã tăng mạnh so với 3-4 năm trước, thậm chí cao gấp rưỡi.
Ông Sơn nhấn mạnh, vấn đề không đơn giản chỉ là “giá điện tăng hay giảm”, mà là làm thế nào để giá điện phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất, đảm bảo ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia.
Nhiều quốc gia phát triển hiện cũng đang chuyển dần sang cơ chế thị trường trong xác lập giá điện – minh bạch, đầy đủ yếu tố chi phí và gắn với xu hướng đầu tư năng lượng sạch.
Nếu Việt Nam duy trì giá điện ở mức thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối đầu tư, đe dọa an ninh điện năng và phát triển bền vững, ông Sơn nhìn nhận.
Cần lộ trình hợp lý, tránh tạo ra ‘cú sốc’ giá
Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, giải pháp căn cơ là cần một lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch và tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ chi phí cấu thành, trong khi không tạo ra “cú sốc” về giá cho người dân và nền kinh tế.
Việc cân bằng giữa thị trường hóa giá điện và ổn định xã hội là một bài toán khó nhưng bắt buộc phải giải.
Ông cho rằng, các tín hiệu từ phía Chính phủ đã tương đối rõ ràng. Việc ban hành các nghị định, cơ chế điều hành và định hướng cải cách giá điện đang được triển khai tương đối đồng bộ.

Ông Nguyễn Tiến Thoả cũng đề xuất, phải chuyển điều hành giá điện sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện và phải sửa biểu giá điện hiện hành để xử lý những bất cập.
Ngoài ra, bỏ bù chéo với giá điện. Thay vào đó, xử lý bằng chính sách khác về giá điện giữa các vùng miền cho phù hợp. Phải tách bạch chính sách xã hội ra khỏi giá điện.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, nhìn nhận, Luật Điện lực đã có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến cơ chế xác lập giá điện.
“Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo tính minh bạch và ổn định trong cơ chế giá điện”, ông nói. Đồng thời, trong việc thu hút xã hội hóa đầu tư vào ngành điện, cần đảm bảo tính hợp lý của chi phí. Vì điện là đầu vào thiết yếu của hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Nếu chúng ta xây dựng một thị trường điện hấp dẫn, lợi nhuận quá cao, biến điện thành một kênh đầu tư thu hút vốn đơn thuần rất có thể sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Do đó, việc xây dựng luật lần này là một bài toán khó. Bởi, phải tạo ra một thị trường điện đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư, đồng thời vẫn phải giữ ở mức hợp lý, đảm bảo cung ứng điện ổn định, sạch mà không gây áp lực quá lớn lên chi phí đầu vào.
Bao giờ người phát điện cũng muốn giá điện tối thiểu phải đủ bù đắp chi phí, còn người mua điện thì luôn lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, thời gian tới vẫn phải cân bằng lợi ích các bên trước khi hướng đến một thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo như Luật Điện lực đề ra, ông Hiếu lưu ý.
