Công điện Thủ tướng gửi các Bộ trưởng các bộ thuộc Chính phủ, địa phương, các tập đoàn doanh nghiệp nhấn mạnh rằng, trong những năm gần đây, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 51,66 tỷ USD trong năm 2024, tăng 18,5% so với năm 2023 và là đối tác Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện đồng loạt các biện pháp để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của EU trong thời gian tới (Ảnh: Chinhphu.vn).
Với tác động tích cực có ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU ngày càng lớn mạnh, kéo theo đó là triển vọng thu nhập gia tăng của hàng chục triệu lao động tham gia chuỗi sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang đối mặt những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU. Năm 2020, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa các-bon vào năm 2050.
Thoả thuận xanh Châu Âu bao gồm các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể với các nội dung, chính sách, quy định ngày càng chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.
Theo Thủ tướng, các thỏa thuận xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, song về lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường sản phẩm xanh, bền vững nhiều tiềm năng.
Chính vì vậy, việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phù hợp nhằm chủ động ứng phó và đáp ứng các chính sách xanh của EU là hết sức cấp thiết.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương ngoài ưu tiên về hoàn thiện thể chế cần tập trung ưu tiên nghiên cứu các quy định, tiêu chuẩn liên quan kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại, quản lý chất thải và các quy định về hàm lượng tái chế đối với một số vật liệu đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế.
Tập trung hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng, hỗ trợ các hoạt động chứng nhận, dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường và các quy định quốc tế.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu làm rõ các quy định về quản lý chất thải, các quy định thu hồi đối với các sản phẩm thải bỏ, hết hạn sử dụng; các quy định nhằm hạn chế loại bỏ chất thải độc hại trong các sản phẩm,… trong các lĩnh vực ngành chịu tác động lớn từ chính sách xanh của EU.
Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ được yêu cầu rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gắn yếu tố xanh, tuần hoàn, bền vững.
Chú trọng xây dựng và triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới ứng dụng các công nghệ, sử dụng nguyên nhiên vật liệu mới, tái chế, tái tạo góp phần thúc đẩy thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai các chính sách, kế hoạch hành động của địa phương về sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ, hành động thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, thu hồi, tái sử dụng tái chế chất thải, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đổi mới ứng dụng công nghệ, áp dụng các mô hình bền vững, tuần hoàn.
Tạo điều kiện phát triển các mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi tuần hoàn nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết về ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, năng lượng, phát triển nguyên vật liệu tái chế, tái tạo.
Thủ tướng yêu cầu các Hiệp hội, ngân hàng chủ động cập nhật, nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu để đề xuất các cơ quan chức năng có các biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời.
Tổ chức phổ biến, cung cấp thông tin, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các quy định chính sách xanh của EU.
Các Tập đoàn, Tổng công ty chú trọng xây dựng tiêu chí và nội dung về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển của doanh nghiệp.
Hợp tác với các Bộ, ngành địa phương xây dựng, triển khai các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm đáp ứng các yêu cầu thị trường và các quy định pháp luật hiện hành.
Chủ động lựa chọn, sử dụng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn và thân thiện môi trường, góp phần sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, thúc đẩy sử dụng nguyên vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo, hạn chế chất thải, hóa chất độc hại phát sinh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Đào tạo nâng cao năng lực, khuyến khích các sáng kiến, phong trào thi đua nội bộ và thực hành sản xuất kinh doanh bền vững; tăng cường liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với các bên nhằm thúc đẩy chuỗi bền vững, tuần hoàn.