Cục Thống kê, Bộ Tài chính, vừa công bố báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2025. Theo đó, bức tranh vận tải Việt Nam trong quý 1/2025 cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng đồng đều ở cả hai mảng hàng hóa và hành khách.
ĐƯỜNG BIỂN DẪN DẮT VẬN TẢI HÀNG HOÁ
Theo báo cáo, tính riêng trong tháng 3/2025, vận tải hàng hoá ước đạt 242 triệu tấn, tăng 2,7% so với tháng trước. Trong khi luân chuyển đạt 45,5 triệu tấn.km, tăng 3,8%.
Tính chung trong quý 1/2025, tổng khối lượng vận tải hàng hoá đạt 715 triệu tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi khối lượng luân chuyển hàng hoá đạt 138,6 triệu tấn.km, tăng 8,9%.
Xét theo phạm vi, vận tải trong nước ước đạt 703,3 triệu tấn vận chuyển, tăng 15,6%; luân chuyển đạt 84,3 tỷ tấn.km, tăng 7,4%. Trong khi đó, vận tải ngoài nước ước đạt 12,5 triệu tấn vận chuyển, tăng 9,0%; luân chuyển đạt 54,3 tỷ tấn.km, tăng 11,4%.

Đi sâu vào bức tranh ngành vận tải trong quý 1/2025, có thể thấy đường bộ vẫn đóng vai trò là phương thức vận tải chủ lực về sản lượng với 525,8 triệu tấn hàng hoá được vận chuyển, chiếm 73,5% tổng khối lượng vận tải toàn ngành, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nếu xét về yếu tố luân chuyển hàng hoá, đường biển lại là phương thức nổi bật nhất. Theo đó, trong quý 1, khối lượng hàng hóa luân chuyển qua đường biển đạt 74,4 tỷ tấn.km, chiếm 53,6% tổng luân chuyển toàn ngành và tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, vận tải đường thủy nội địa cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực với 136,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển (tăng 12,1%) và 15,6 tỷ tấn.km luân chuyển (tăng 5,6%).
Một điểm sáng trong bức tranh vận tải hàng hoá quý I là sự phục hồi của vận tải hàng hoá bằng đường sắt. Trong quý I, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt đạt gần 1,45 triệu tấn, tăng 11,8% so; luân chuyển hàng hóa bằng đường sắt cũng tăng 10,2%, đạt gần 762 triệu tấn.km. Mặc dù vậy, tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng đường sắt vẫn còn rất khiêm tốn khi chỉ chiếm 0,2% về sản lượng và 0,5% về luân chuyển toàn ngành.
Trái ngược với xu thế tích cực nói trên, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lại ghi nhận diễn biến trái chiều. Dù sản lượng vận chuyển đạt 77 nghìn tấn, tăng 5,8%, nhưng luân chuyển lại giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2024.
VẬN TẢI HÀNH KHÁCH ĐƯỜNG SẮT TĂNG TRƯỞNG NGOẠN MỤC
Không chỉ vận tải hàng hóa, vận tải hành khách trong quý 1/2025 cũng ghi nhận sự khởi sắc đáng kể. Cụ thể, tổng lượng hành khách được vận chuyển trong ba tháng đầu năm đạt 1.414,2 triệu lượt người, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Cùng với đó, khối lượng luân chuyển hành khách đạt 77,7 tỷ lượt khách.km, tăng 14,7%.
Tinh riêng trong tháng 3/2025, vận tải hành khách ước đạt 479,4 triệu lượt khách, giảm 0,8% so với tháng trước; luân chuyển đạt 25,8 tỷ lượt khách.km, giảm 1,2%. Con số này phản ánh đúng thực tế khi sau giai đoạn Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân sẽ sụt giảm.

Đi sâu vào các ngành vận tải hành khách, báo cáo từ Cục thống kê cho thấy đường bộ vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối về sản lượng, với 1.254,7 triệu lượt người được vận chuyển, tăng 16,4% so với cùng kỳ và chiếm gần 89% tổng lượng hành khách cả nước.
Tuy nhiên, “ngôi sao sáng” trong quý 1 phải kể đến ngành đường sắt, với mức tăng trưởng ngoạn mục. Cụ thể, số hành khách vận chuyển tăng 165,1% so với cùng kỳ, còn luân chuyển tăng tới 145,4%.
Theo Cục thống kê, kết quả vận tải đường sắt tăng trưởng trên 165% do Cục đã bổ sung thêm sản lượng vận tải hành khách bằng đường sắt đô thị tại Hà Nội và Metro tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa cũng có kết quả tích cực, với khối lượng vận chuyển đạt 45,6 triệu lượt người, tăng 26,8% so với quý I năm ngoái.
Ngược lại, vận tải hành khách bằng đường hàng không chỉ tăng nhẹ 8,2% về sản lượng, đạt 12,1 triệu lượt người. Luân chuyển hành khách đạt 23,9 tỷ lượt khách.km, tăng 8,3%, mức tăng được đánh giá là thấp hơn so với kỳ vọng của giai đoạn phục hồi.
Đáng chú ý, vận tải hành khách bằng đường biển lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong quý 1. Cụ thể, sản lượng giảm 13,6% và luân chuyển giảm 5,6%.
Theo Cục thống kê, nguyên nhân chính khiến sản lượng vận tải hành khách bằng đường biển sụt giảm là do thời tiết không thuận lợi trong dịp sau Tết Nguyên đán, khiến nhiều tuyến tàu cao tốc ra đảo phải tạm dừng hoặc giảm tần suất hoạt động.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi có khối lượng vận chuyển giảm 17,1%, luân chuyển giảm 20,7%; tỉnh Bình Định có khối lượng vận chuyển giảm 38,2%, luân chuyển giảm 45,1%; Thành phố Hồ Chí Minh luân chuyển giảm 0,8%.
Riêng tại Cần Thơ, vận chuyển và luân chuyển đều giảm 92,6% do có 2 doanh nghiệp vận tải hành khách đường biển đi Côn Đảo nhưng từ tháng 8/2024 chỉ còn hoạt động cầm chừng.