Nhiều dự báo cho thấy, những tháng cuối năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tích cực hơn, xu hướng suy giảm được cải thiện.
Tập đoàn LG đã đầu tư ở Hải Phòng 7,24 tỷ USD, trong đó ngoài LG Innotek, còn có LG Display… Ảnh: Đức Thanh |
Cơ hội cho sự “đảo chiều”
Chỉ ít ngày sau khi ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố việc có nhiều dự án quy mô lớn, gồm cả dự án tỷ USD của nhà đầu tư Hàn Quốc đang chờ vào Việt Nam, sáng 26/6, UBND TP. Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Dự án LG Innotek Hải Phòng, với vốn tăng thêm hơn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 2,051 tỷ USD.
Như vậy, dự án tỷ USD đầu tiên trong danh sách mà ông Hoàng đề cập đã trở thành hiện thực. Có điều là, dự án này chưa được tính vào số liệu thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023. Vì vậy, vốn đầu tư điều chỉnh trong 6 tháng mới đạt 2,93 tỷ USD, vẫn giảm 57,1% so với cùng kỳ.
Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn mở rộng đầu tư là nguyên nhân chính khiến vốn điều chỉnh vẫn đang giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm 2022, với việc hàng loạt dự án quy mô lớn của Samsung, Goertek tăng vốn đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm lên tới 6,82 tỷ USD – một con số rất lớn. Vì thế, không dễ để vốn điều chỉnh của 6 tháng đầu năm nay “đảo chiều”, tăng so với cùng kỳ.
Tuy vậy, việc vốn đầu tư mở rộng tăng thêm sẽ góp phần đáng kể cải thiện tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, vốn có xu hướng ngày càng tích cực hơn. Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố cho thấy , 6 tháng đầu năm, đã có 13,43 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, chỉ còn giảm 4,3% so với cùng kỳ, tích cực hơn khá nhiều so với mức giảm 7,3% của 5 tháng, 17,9% của 4 tháng; 38,8% của 3 tháng…
Trong cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, chỉ còn vốn điều chỉnh là còn giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đăng ký mới tăng mạnh 31,3%, đạt hơn 6,49 tỷ USD; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 76,8% so với cùng kỳ.
Một khi dự án tỷ USD của LG Innotek được ghi nhận, cơ hội để tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam “đảo chiều” là khá lớn.
Nhưng trong khi vốn đăng ký chưa “đảo chiều”, thì vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã làm được việc đó. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Tuy mức tăng rất “nhẹ”, nhưng có thể là một sự khởi đầu tích cực cho xu hướng tăng trở lại của vốn giải ngân.
“Việc vốn giải ngân tăng trở lại cho thấy, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những tháng đầu năm đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận xét.
Các bình luận tương tự đã được đưa ra với vốn đăng ký mới và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Đặc biệt, với vốn đăng ký mới, Cục Đầu tư nước ngoài tỏ ra khá lạc quan, khi không chỉ số vốn, mà cả số dự án đều tăng mạnh, tương ứng tăng 31,3% và tăng 71,9% (có 1.293 dự án đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm – PV) so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của số vốn đăng ký mới cũng ngày càng cải thiện, nửa đầu năm là 31,3%, trong khi 5 tháng là 27,8%, còn 4 tháng chỉ tăng 11,1%.
Vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng tốc
Công bố của ông Đỗ Nhất Hoàng không chỉ liên quan tới các dự án quy mô lớn của nhà đầu tư Hàn Quốc. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc cuối tuần trước, ông Hoàng cho biết: “Trong tay tôi đang có một danh sách rất dài các dự án quy mô lớn dự định đầu tư vào Việt Nam”.
Có danh sách dài, nhưng ông Hoàng chưa nói trước được điều gì, không phải chỉ vì những kế hoạch đầu tư cần được giữ bí mật, mà còn vì rất có thể, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang thận trọng trong việc đưa ra quyết định cuối cùng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có rất nhiều bất ổn.
Khi chia sẻ về xu hướng đầu tư của các đối tác, ông Hoàng cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang có xu hướng chậm lại trong việc đưa ra các quyết định đầu tư vào Việt Nam do các vấn đề nội tại của nền kinh tế; Mỹ đang khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước này dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, Đài Loan có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ vào Việt Nam trong lĩnh vực điện, điện tử gia dụng công nghệ, ô tô điện. Hiện nay, các doanh nghiệp phụ trợ của Đài Loan dự kiến đầu tư nhiều dự án ở các tỉnh phía Bắc. Còn Trung Quốc có xu hướng thiết lập cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và tận dụng các lợi thế về cam kết thương mại của nước chủ nhà.
“Không chỉ đến Việt Nam tìm cơ hội, hay khảo sát so với các nước khác, mà các nhà đầu tư Đài Loan đến để quyết định sẽ đầu tư ở địa phương nào”, ông Hoàng nói và gần như rất chắc chắn về khả năng nhà đầu tư Đài Loan sẽ dốc vốn vào Việt Nam trong thời gian tới. Thực tế, sự xuất hiện của Foxconn, Pegatron, hay Goertek, Winstron, Quanta…, với các dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí là hàng tỷ USD ở Việt Nam là minh chứng rất rõ nét.
Trong khi đó, một thông tin rất đáng chú ý, theo Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm, tuy Trung Quốc đứng thứ ba về số vốn đăng ký, với 1,95 tỷ USD, nhưng đứng đầu về số dự án mới, chiếm 18% trong tổng số 1.293 dự án. Ngay sau khi mở cửa nền kinh tế, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào Việt Nam.
Chỉ cách đây ít ngày, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Yeh Ming Yuh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam cho biết, Công ty dự kiến tăng vốn đầu tư thêm 250 triệu USD trong quý III/2023. Thêm khoản vốn này, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) tại Việt Nam sẽ tăng lên hơn 1 tỷ USD.
Trong khi đó, nhà đầu tư Cheng Loong, cũng của Đài Loan, chuẩn bị bắt tay vào giai đoạn II của dự án 1 tỷ USD mà Tập đoàn đã cam kết đầu tư từ năm 2015. P&G (Mỹ) dự kiến tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD vào Việt Nam. Sunrise Material (Singapore) cũng đưa ra một con số tương tự với dự án dự kiến được triển khai tại Nam Định.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Kinh Bắc diễn ra vào tuần trước, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Kinh Bắc tiết lộ, một doanh nghiệp nước ngoài lớn dự kiến thuê nốt phần còn lại của Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), vốn đầu tư có thể lên đến hàng tỷ USD. Cùng với đó, Khu công nghiệp Quang Châu và Quang Châu mở rộng sắp tới sẽ thu hút hơn 1,3 tỷ USD, mà Kinh Bắc đang làm thủ tục.
Những thông tin là tích cực, mà nếu tất cả đều được hiện thực hóa, thì cơ hội để dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam thời gian tới là rất lớn.
Theo thông tin được đăng tải trên báo chí nước ngoài trong những ngày gần đây, hai nhà sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng và pin của Trung Quốc là Xiamen Hithium Energy Storage Technology và Growatt New Energy đang xem xét rót vốn vào Việt Nam. Tổng mức đầu tư của hai nhà đầu tư này có thể lên tới 1 tỷ USD.