Lý do thu hồi đất là do CTCP Vina Đại Phước đã chuyển nhượng một phần dự án cho CTCP KinderWorld Việt Nam theo Quyết định chủ trương đầu tư số 5013/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Thu hồi gần 2,5ha đất tại Nhơn Trạch của Vina Đại Phước giao cho KinderWorld Việt Nam
Ngày 31/7/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2287/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty Cổ phần Vina Đại Phước xã Đại phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định thu hồi diện tích 24.913 m2 tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch do Công ty Cổ phần Vina Đại Phước sử dụng theo các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 011390; AL 011392; AL 011293 ngày 31 tháng 12 năm 2007 cấp cho Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG) và được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (nay là Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh) đăng ký biến động thay đổi tên cho Công ty Cổ phần Vina Đại Phước ngày 19 tháng 03 năm 2008 do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo 03 Tờ Trích lục và Biên vẽ thửa đất Bản đồ địa chính số 83, 84, 85/2022, tỷ lệ 1/2.000 do Công ty TNHH Đồng Biên thực hiện ngày 09 tháng 6 năm 2022 và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai thực hiện ngày 11 tháng 6 năm 2022.
Lý do thu hồi đất là do CTCP Vina Đại Phước đã chuyển nhượng một phần dự án cho CTCP KinderWorld Việt Nam theo Quyết định chủ trương đầu tư số 5013/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Đồng Nai thực hiện các nội dung: Chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính do chuyển nhượng dự án đầu tư có sử dụng đất của Công ty Cổ phần Vina Đại Phước và Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam theo quy định; Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty Cổ phần Vina Đại Phước; Thực hiện việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính.
UBND tỉnh Đồng Nai giao Cục thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xác định và thông báo, thu các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc chuyển nhượng dự án đầu tư có sử dụng đất của Công ty Cổ phần Vina Đại Phước. Đồng thời hướng dẫn Công ty Cổ phần Vina Đại Phước thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Đồng thời, cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 2288/QĐ-UBND về việc Công ty Cổ phần KingderWorld Việt Nam thuê đất để thực hiện dự án Khu giáo dục Quốc tế Singapore tại xã Đại phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Theo đó, phần đất có diện tích 24.913 m2 tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch thu hồi từ Công ty Vina Đại Phước sẽ được giao cho CTCP KinderWorld Việt Nam thuê. Hình thức cho thuê: Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Thời hạn thuê đất đến 15/11/2054 (thời hạn sử dụng đất còn lại của Công ty Vina Đại Phước).
KinderWorld Việt Nam được thành lập vào năm 2027. Năm 2016, trước thời điểm thay đổi ngành nghề kinh doanh chính sang ngành Giáo dục mầm non, KinderWorld Việt Nam có ngành nghề kinh doanh chính là ngành Buôn bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp.
Trước thời điểm tháng 9/2018, KinderWorld Việt Nam có vốn điều lệ 18,254 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài chiếm 90%. 10% còn lại cũng là của cổ đông sáng lập CTCP Tư vấn và Giáo dục Quốc tế Việt Nam Singapore.
Từ sau tháng 9/2018, cơ cấu vốn thay đổi mạnh khi khối ngoại nắm giữ đến 99,8% vốn của KinderWorld Việt Nam. 3 pháp nhân nước ngoài nắm giữ vốn KinderWorld Việt Nam trước thời điểm 14/09/2018 gồm: KinderWorld Education Group PTE. LTD. (Singapore) giữ 50% vốn; 2 cá nhân quốc tích Singapore nắm giữ 40% cổ phần. Sau thời điểm này, KinderWorld International Group PTE. LTD. (Singapore) nắm giữ 99,5% và 1 cá nhân nắm giữ 0,3% vốn. 0,2% vốn được nắm giữ bởi CTCP Tư vấn và Giáo dục Quốc tế Việt Nam Singapore.
Cuối tháng 3/2019, vốn điều lệ của KinderWorld Việt Nam tăng lên hơn 20 tỷ đồng, tương đương gần 1,08 triệu USD. Sau nhiều lần thay đổi, đến giữa tháng 2/2024, vốn điều lệ của KinderWorld Việt Nam tăng lên gần 145 tỷ đồng (từ mức gần 95 tỷ đồng), cổ đông nước ngoài vẫn nắm giữ 99,8% vốn.
Q. Nguyễn