Dù doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ của Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon, Bộ Công Thương) trong Quý II/2024 tăng cấp số nhân so với cùng kỳ, song doanh nghiệp này vẫn lỗ sâu do các chi phí khác tăng mạnh.
Vinaicon ghi nhận doanh thu Quý II/2024 tăng cấp số nhân nhưng….
Báo cáo giải trình báo cáo tài chính Quý II/2024 của Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon, Bộ Công Thương) gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, dù tăng doanh thu song nhiều loại chi phí tăng đã khiến Tổng công ty này tiếp tục lỗ sâu so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, theo giải trình của Vinaincon, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý II của Tổng công ty mẹ đạt 257,7 tỷ đồng, tăng 674% ( tăng hơn 224 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế trong quý II chỉ đạt 7,6 tỷ đồng, giảm 10% (giảm 800 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Đối với báo cáo tài chính hợp nhất, quý II/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.724 tỷ đồng, tăng 171% (tăng hơn 1.088 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước do tại Công ty mẹ và Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 có doanh thu tăng mạnh từ các hợp đồng thực hiện được trong năm, nhất là từ các gói thầu dự án đường dây 500kV mạch 3 đang thi công. Lợi nhuận gộp hợp nhất cũng tăng hơn 33 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước bị lỗ gộp.
“Cục nợ” Xi măng Quang Sơn tiếp tục kéo Vinaincon vào cảnh lỗ đậm 136 tỷ đồng
Tuy nhiên, theo giải trình của Vinaincon, do chi phí bán hàng tăng 2,6 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng hơn 23 tỷ đồng, tăng chủ yếu từ chi phí tại Công ty TNHH Xi măng Quang Sơn như chi phí tiền lương tăng 2,9 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá tăng thêm gần 30 tỷ đồng so với năm trước. Qua đó gây lỗ tại Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn là hơn 134 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn Tổng Công ty quý II/2024 lỗ hơn 136 tỷ đồng, tăng lỗ 8% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, “cục nợ” Xi măng Quang Sơn sau nhiều năm tái cơ cấu vẫn chưa thể khắc phục được triệt để. Xi măng Quang Sơn tiền thân là Công ty Xi măng Thái Nguyên, do Vinaincon làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,51 triệu tấn xi măng/năm.
Tháng 3/2003, dự án được khởi công, nhưng đến cuối năm 2009 mới được khánh thành, đưa vào chạy thử; đến tháng 7/2011 nhà máy này mới đi vào sản xuất chính thức với nhãn hiệu Xi măng Quang Sơn. Do hoạt động yếu kém nên tổng nợ của doanh nghiệp này có thời điểm lên đến 3.637 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.400 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ, nguy cơ phá sản.
Hiện, Vinaincon đang giữ 100% vốn ở 5 doanh nghiệp là các công ty con, trong đó có Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn, Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2, Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 4, Công ty TNHH MTV Xây lắp Hóa chất và Công ty TNHH MTV Cơ khí Hóa chất Hà Bắc.
Còn lại Vinaincon đang nắm vốn từ 30% đến 70% tại các công ty khác như Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng số 5, Công ty cổ phần Cơ khí Xây lắp Hóa chất và Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản VINAINCON…