Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào Việt Nam, đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phải đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Bắt nhịp với ESG
Việc các tập đoàn lớn chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam là cơ hội để doanh nghiệp logistics trong nước cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài có yêu cầu khá khắt khe về các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trong đó dịch vụ logistics cũng phải đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững.
Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2022, nội dung phát triển logistics xanh gồm xanh hóa hoạt động vận tải, xanh hóa hoạt động kho bãi, xanh hóa hoạt động đóng gói… Tại Việt Nam, hoạt động xanh hóa logistics khá mờ nhạt, chỉ có một số doanh nghiệp logistics lớn bắt nhịp với xu hướng logistics xanh và thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Một trong số đó phải kể đến Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) – đơn vị khai thác cảng container với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. SNP đang áp dụng chiến lược ESG trong hoạt động logistics bằng việc thay thế thiết bị nâng hạ container sử dụng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn.
Đối với vận tải, SNP đã thực hiện 80% vận chuyển hàng hóa giữa cảng Cái Mép – Thị Vải và khu vực lân cận bằng xà lan để thay cho ô tô tải. Tại phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống cảng của SNP cũng được vận tải bằng xà lan thay cho xe tải đã góp phần giảm thiểu khí thải CO2…
Một doanh nghiệp lớn khác là Công ty cổ phần Gemadept cũng đã áp dụng các tiêu chí ESG vào quá trình sản xuất, như đầu tư trang thiết bị hiện đại, sử dụng năng lượng sạch. Gemadept còn triển khai các hoạt động cụ thể liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, như thành lập Ban ESG; phối hợp với đơn vị tư vấn chuyên nghiệp triển khai đào tạo, kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064-1.
Thêm nhiều đơn hàng từ “ông lớn”
Tại Hội thảo ESG – Dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu được tổ chức mới đây, chia sẻ của nhiều doanh nghiệp cho thấy, EGS là “chìa khóa” quan trọng giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị và có thêm nhiều đơn hàng.
Ông Huỳnh Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty LeanWares cho biết, xu hướng các xưởng gia công ở Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ các nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp đối mặt với thách thức là phải đạt các tiêu chuẩn xanh, trong đó có ESG, vì những “ông lớn” như Apple cam kết đến năm 2030, chuỗi cung ứng của họ đạt phát thải carbon bằng 0.
“Doanh nghiệp Việt muốn chen chân vào chuỗi cung ứng cho các ‘ông lớn’, bắt buộc phải thay đổi, tiến hành ESG. Đây là sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường. Nhiều doanh nghiệp Việt đang đứng trước ngã ba đường là bỏ cuộc chơi, tái cấu trúc để thích ứng hay đầu tư xanh”, ông Trung cho biết.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất khi đầu tư theo các tiêu chí ESG là chi phí đầu vào tăng cao khiến doanh nghiệp không có lãi. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Về lâu dài, doanh nghiệp áp dụng tiêu chí phát triển bền vững có thể giảm chi phí vì sử dụng phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu sạch… Doanh nghiệp còn có cơ hội nhận được các đơn hàng từ các “ông lớn”.
Ông Preben Elnef, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam cho biết, trong chiến lược phát triển của LEGO, Tập đoàn luôn ưu tiên các nhà cung ứng địa phương. Điểm đáng chú ý đối với các doanh nghiệp muốn trở thành nhà cung cấp của LEGO không phải là quy mô lớn hay quy mô nhỏ, mà phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững mà LEGO đang thực hiện tại nhà máy ở Bình Dương, để cùng hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Dù cơ hội là có, nhưng các doanh nghiệp logistics nội sẽ gặp sự cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài đang dồn dập đổ vốn vào ngành logistics. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần sớm áp dụng các tiêu chuẩn ESG để nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.