Hà Nội: Đề nghị tăng biên chế công chức cho các phường đông dân cư
Sau 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm biên chế của vị trí trí công chức văn phòng cấp ủy; tăng biên chế công chức cho các phường đông dân cư…
Đề xuất nhiều nội dung liên quan đến thí điểm mô hình chính quyền đô thị
Sáng 15/6, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội (khóa XVII) tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 2 để xem xét, thảo luận một số nội dung quan trọng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị. |
Tại Hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đã báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu về 3 nội dung: Báo cáo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị và Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP. Hà Nội.
Theo đó, có 135 ý kiến góp ý vào 3 nội dung trên, trong đó, 74 ý kiến về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; 17 ý kiến về dự thảo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị và 44 ý kiến về Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP. Hà Nội.
Các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban Thường vụ Thành ủy về các nội dung. Về Dự thảo báo cáo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các ý kiến đề nghị cần làm rõ bối cảnh khó khăn hơn dự báo; việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và sự đóng góp của nhân dân.
Đồng thời, các đại biểu phát biểu đánh giá cao việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đổi mới phong cách quản lý, điều hành. Các kiến nghị cụ thể của đại biểu liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ, việc khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu 50% Bí thư, Chủ tịch UBND xã không phải người địa phương.
Về Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo báo cáo; đồng thời, tập trung phân tích, làm rõ kết quả; đề nghị bổ sung thêm biên chế của vị trí trí công chức văn phòng cấp ủy; tổ chức thi tuyển công chức phường, xã, thị trấn; tháo gỡ khó khăn về thủ tục luân chuyển cán bộ, công chức từ quận xuống phường và ngược lại; tăng biên chế công chức cho các phường đông dân cư…
Góp ý về Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP. Hà Nội, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết và thời điểm ban hành.
Các ý kiến cho rằng, Chỉ thị không chỉ mang tính hiệu triệu mà còn phải gắn với chế tài cụ thể, nghiêm minh; đặc biệt cần lượng hóa gắn với những biểu hiện cụ thể về đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức để xử lý.
Tại Hội nghị, 100% đại biểu có mặt tại hội nghị đã nhất trí thông qua Nghị quyết hội nghị lần thứ mười ba, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII.
Nhiều ý kiến sâu sắc, gắn với thực tiễn sinh động
Phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đã có 87 lượt phát biểu với 174 ý kiến vào các nội dung trình tại Hội nghị.
Các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm và đánh giá cao công tác chuẩn bị nghiêm túc, có chất lượng của Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội; có nhiều ý kiến sâu sắc, gắn với thực tiễn sinh động, thể hiện được tầm tư duy sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Các ý kiến đều cơ bản đồng tình và nhất trí cao với các nội dung trình tại kỳ họp; đồng thời, đã tập trung, thảo luận, phân tích, làm rõ thêm các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Để thống nhất về nhận thức và ý chí trong hành động, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh một số vấn đề lớn, quan trọng và khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị. Đồng thời đề nghị mỗi Thành ủy viên, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của TP cần tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô;
Phát huy cao độ trách nhiệm người đứng đầu, vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP. Hà Nội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.