Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang chờ tín hiệu đồng thuận của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bắt tay nâng cấp, mở rộng sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) trong quý III/2024.
Kế hoạch “nâng đời” Cảng hàng không Đồng Hới có số phận khá truân chuyên. |
Chờ đại diện chủ sở hữu
Cho đến thời điểm này, việc ACV có tiếp tục đứng ra thực hiện đầu tư Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới hay không phụ thuộc hoàn toàn vào sự chấp thuận của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong Văn bản số 273/BC-HĐQT gửi Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) cuối tuần trước, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV đề xuất kế hoạch “nâng đời” Cảng hàng không Đồng Hới với nhiều thay đổi so với phương án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền và UBND tỉnh Quảng Bình hồi năm 2021.
Cụ thể, ACV đề nghị gộp Dự án Xây dựng Nhà ga hàng khách T2 và Dự án Xây dựng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không Đồng Hới thành một dự án, thay vì tách ra triển khai độc lập. Theo đó, Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới có mục tiêu xây dựng nhà ga hành khách 2 cao trình có diện tích sàn khoảng 16.800 m2, công suất 3 triệu hành khách/năm cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ; xây dựng 4 vị trí đỗ cho tàu bay Code C (A321/320 hoặc tương đương) trong giai đoạn I và thêm 4 vị trí nữa trong giai đoạn II.
Với quy mô xây dựng như trên, tổng mức đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng vào khoảng 1.968 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng nhà ga khoảng 1.750 đồng và sân đỗ máy bay khoảng 218 tỷ đồng (giai đoạn I là 94 tỷ đồng và giai đoạn II là 124 tỷ đồng). Toàn bộ chi phí đầu tư nói trên sẽ được ACV huy động từ nguồn vốn tự có và vốn vay thương mại.
Ông Lại Xuân Thanh cho biết, ACV dự kiến hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án thành phần 1 – Nhà ga hành khách T2 trong tháng 10/2023, khởi công vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2026. Đối với Dự án thành phần 2 – Mở rộng sân đỗ máy bay giai đoạn I, ACV không nêu rõ thời gian khởi công, nhưng tiến độ hoàn thành cũng sẽ đồng bộ với Dự án thành phần 1. Riêng Dự án thành phần 3 – mở rộng sân đỗ máy bay giai đoạn II, ACV dự kiến bắt đầu sau năm 2025, nhằm đảm bảo đến năm 2030, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ có ít nhất 12 vị trí đỗ máy bay như quy hoạch.
Để đảm bảo tiến độ “nâng đời” Cảng hàng không Đồng Hới không có thêm một lần lỗi hẹn, ACV đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét bổ sung kế hoạch vốn do đơn vị này trình đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trước đó. ACV cũng mong muốn, Bộ GTVT cùng với UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất chủ trương cho phép ACV triển khai thủ tục thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga song song với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, đơn vị đang vận hành khai thác Cảng hàng không Đồng Hới hiện hữu kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình bố trí kinh phí và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng 10,6 ha đất quốc phòng; sớm hoàn thiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng để có thể giao mặt bằng phục vụ thi công Nhà ga T2 và sân đỗ trước quý II/2024.
“Để gỡ sớm nút thắt về mặt bằng, UBND tỉnh Quảng Bình có thể tham khảo cách làm của UBND TP.HCM đối với Dự án Nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với điểm nhấn là kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết về giải phóng mặt bằng đối với đất quốc phòng tại Cảng hàng không Đồng Hới. Sau khi khu đất quốc phòng được bàn giao cho địa phương, địa phương sẽ giao đất cho Cảng vụ hàng không miền Bắc (Cục Hàng không Việt Nam) theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Cảng vụ sẽ quyết định giao đất cho ACV – đơn vị đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không theo đúng quy trình của Luật Đất đai và Luật Đầu tư”, Chủ tịch ACV kiến nghị.
Xoay lại phương án đầu tư
Cần phải nói thêm, kế hoạch “nâng đời” Cảng hàng không Đồng Hới có số phận khá truân chuyên, dù tất cả các bên liên quan đều nhất trí cần sớm nâng cấp, mở rộng sân bay này.
Cụ thể, năm 2021, trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Bình và tình hình khai thác thực tế, ACV đã trình Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 và Dự án xây dựng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới.
Cụ thể, Nhà ga T2 sân bay Đồng Hới được ACV đề xuất xây mới công suất 3 triệu hành khách mỗi năm, tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng trên diện tích 1,1 ha, cùng với sân đỗ ô tô và các công trình phụ trợ rộng 19 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.222 tỷ đồng bằng vốn của ACV.
Đối với Dự án Xây dựng Nhà ga hàng khách T2, ACV đã hoàn thành phương án thiết kế ý tưởng kiến trúc do Liên danh tư vấn AZUSA (Nhật Bản) và CONINCO lập; đồng thời thực hiện xong công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Dự án có vướng mắc vể chủ trương đầu tư. Đồng thời, sau khi cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021 – 2025, ACV phải ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hàng khách T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Điện Biên, mở rộng Cảng hàng không Cát Bi.
Đến cuối tháng 4/2022, ACV đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình thông báo việc chưa thể thu xếp nguồn vốn cho Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 và Dự án Xây dựng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới ngay trong giai đoạn 2021 – 2025. ACV sẽ đầu tư Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới sau năm 2025. Trong trường hợp cần đầu tư sớm hơn, ACV kiến nghị Bộ GTVT xem xét, đề xuất kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật.
Đến tháng 5/2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 931/UBND-TH về việc đầu tư Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới. Trong đó, địa phương này chính thức đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Đồng Hới theo hình thức xã hội hóa.
Sau đúng 1 năm nghiên cứu, đến tháng 5/2023, UBND tỉnh Quảng Bình lại có Văn bản số 943/UBND-TH ngày 18/5/2023 đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV sắp xếp, cân đối nguồn vốn để thực hiện đầu tư Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 của Cảng hàng không Đồng Hới theo quy hoạch, thay vì phương án đầu tư theo phương thức xã hội hóa.
Hiện chưa rõ lý do UBND tỉnh Quảng Bình thay đổi phương án đầu tư, nhưng theo các chuyên gia, việc tiếp tục để ACV – đơn vị đang khai thác Cảng hàng không Đồng Hới tiếp tục thực hiện Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 có nhiều thuận lợi hơn cho với phương án xã hội hóa, nhất là trong bối cảnh Đề án Xã hội hóa cảng hàng không, sân bay toàn quốc chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc tách bạch phần đầu tư của ACV với nhà đầu tư mới thực sự chưa có lời giải có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, sau 2 năm gặp khó khăn do Covid-19, sức khỏe tài chính của ACV đã có nhiều cải thiện với khoản lợi nhuận trước thuế năm 2022 lên tới 8.833 tỷ đồng, hoàn toàn đủ sức “gánh thêm” Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 và Mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới ngay trong giai đoạn 2021 – 2025.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về việc triển khai đầu tư Cảng hàng không Đồng Hới hôm 5/6, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu ACV có văn bản gửi Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Bình về khả năng triển khai và thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 trong bối cảnh nguồn lực hiện nay của ACV.
Ông Tuấn cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình nghiên cứu, xem xét phương án thành lập Tổ chỉ đạo triển khai Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới để kịp thời hỗ trợ các thủ tục liên quan, cũng như đôn đốc, giám sát việc thực hiện đầu tư. Tổ chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh là Tổ trưởng, Thứ trưởng Bộ GTVT là Tổ phó và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
“Đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc ACV chủ động triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án để rút ngắn tiến độ thực hiện, sớm đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế – xã hội; phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tháng 10/2023, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng quý II/2024”, ông Lê Anh Tuấn chỉ đạo.
Cảng hàng không Đồng Hới hiện là sân bay cấp 4C, có 1 đường cất hạ cánh dài 2.400 m, rộng 4 5m. Sân đỗ hàng không với 4 vị trí đỗ cho máy bay A321 hoặc tương đương. Nhà ga được đưa vào khai thác từ năm 2008, 2 cao trình, có công suất thiết kế 500.000 hành khách/năm.