Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Nhằm nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe người dân, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá.
Đổi mới tư duy về sản xuất
Nhiều năm trước đây, gia đình ông Phan Văn Mùi (huyện Mê Linh) chỉ chuyên canh cây lúa, đạt hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, từ năm 2016, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp Hà Nội, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển sang mô hình lúa – cá, với diện tích 7 ha.
Theo đó, ruộng lúa được thả các loại cá như cá trắm cỏ, cá chép, cá rô…, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, với giá trị thu nhập 230 – 250 triệu đồng/vụ. Ông Mùi cho biết, mô hình này vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng.
Nhận thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình lúa – cá, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển và nhân rộng mô hình này. Từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với Hội Nông dân xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) hỗ trợ 45.000 con cá giống chép V1 cho nông dân xã Sài Sơn tham gia mô hình lúa – cá, với diện tích hơn 3ha tại thôn Đa Phúc.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Theo ông Kiều Minh Khuê, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai cho biết, khi các hộ nông dân tham gia mô hình lúa – cá sẽ được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% cá giống, 50% vật tư, thức ăn công nghiệp và 50% chế phẩm sinh học để xử lý nước.
Sau khi cấp cá giống, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Quốc Oai thường xuyên bám sát cơ sở hướng dẫn hộ nuôi xử lý môi trường nước, quản lý thức ăn, kiểm tra trọng lượng cá, cách chăm sóc, đôn đốc hộ nuôi nâng cao ý thức phòng bệnh cho cá, đặc biệt vào những tháng giao mùa bằng cách sử dụng các loại men tiêu hóa, vitamin C, tỏi.
Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật cũng hướng dẫn các hộ cách chăm sóc lúa đảm bảo song song với sự phát triển sinh trưởng của cá. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả và tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Như vậy, mục đích của mô hình này nhằm giúp người dân thay đổi sản xuất từ cấy lúa truyền thống kém hiệu quả sang kết hợp lúa – cá để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tình trạng bỏ ruộng hoang vụ mùa.
Có thể thấy, khi các hộ dân biết kết hợp cấy lúa – nuôi cá sẽ giảm thiểu sâu bệnh ở lúa, giảm chi phí công làm đất, tăng độ phì nhiêu của đất, tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, tận dụng được diện tích mặt nước, lúa chết vụ mùa làm thức ăn cho cá, giảm chi phí thức ăn, tạo hệ sinh thái bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn.
Để có thể tham gia mô hình này, các hộ dân cần đáp ứng được về lao động, vốn đối ứng cũng như diện tích ruộng nuôi, ao nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn để không bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi.
Do đó, tại các địa phương áp dụng mô hình này cần đào tạo hoặc thuê ít nhất 1 cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản để hợp đồng theo dõi, bám sát cơ sở, chỉ đạo mô hình.
Tiếp tục triển khai các mô hình lúa – cá
Đánh giá về kết quả của mô hình, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, từ năm 2022, Trung tâm đã triển khai mô hình lúa – cá với quy mô 15ha, tại 5 huyện: Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai.
Kết quả thực tế qua triển khai cho thấy, mô hình tạo hiệu quả kép, do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa, tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa.
Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản trên đất một lúa cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình là các giống cá sinh trưởng, phát triển rất tốt, khi thu hoạch cá đạt trung bình hơn 0,9kg/con, năng suất đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận từ 80 – 90 triệu đồng/ha, cao hơn 4,6 lần so với cấy lúa truyền thống.
“Do đó, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, hỗ trợ về giống, vốn cho nông dân thực hiện mô hình này đạt kết quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân thay đổi nhận thức, không bỏ ruộng hoang, tận dụng các chân ruộng trũng, thấp sang thực hiện hiệu quả mô hình này.”, bà Vũ Thị Hương nêu rõ.
Với những giá trị mang lại cho sản xuất nông nghiệp, môi trường cho thấy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị và đặc biệt là hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.