Lời toà soạn: Những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã có những tỷ phú USD nằm trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, thậm chí có người lọt top 500. Đây là bằng chứng cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân vẫn phát triển thụ động và đối mặt với nhiều rào cản, trong đó lớn nhất là thể chế. VietNamNet ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia về những nút thắt trong nhiều ngành, lĩnh vực đang kìm hãm sự phát triển của không ít doanh nghiệp. |
Thời gian quá lâu, thủ tục dày đặc
Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thành Thực – nhà sáng lập, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phần mềm AutoAgri, cho hay, không chỉ vốn mà vấn đề còn ở thủ tục hành chính, thuế, chi phí logistics, quản lý thiếu minh bạch… đang làm cho nhiều doanh nghiệp “không thể lớn”, thậm chí còn khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính chán nản.

Bà dẫn chứng, nhà nước đầu tư rất nhiều vào chuyển đổi số để quản lý thuận lợi hơn. Đồng thời, chủ trương xây dựng mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc hàng hoá, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Song, tình trạng giả mã số vùng trồng như sầu riêng, xoài vẫn diễn ra tràn lan, cho thấy sự quản lý không nghiêm, thiếu minh bạch.
“Đây là vấn đề nổi cộm của ngành nông nghiệp cần phải giải quyết dứt điểm”, bà Thực nhấn mạnh.
Hay vấn đề thủ tục hành chính cũng khiến doanh nghiệp đau đầu. Bà chia sẻ, doanh nghiệp nghiên cứu chế biến sản phẩm theo phương pháp sấy thăng hoa. Tuy nhiên, để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam mất tới mấy năm. Thời gian quá lâu, nếu đăng ký được thì doanh nghiệp cũng mất cơ hội phát triển sản phẩm.
“Để không bị lỡ thời cơ, chúng tôi đành đăng ký ở nước ngoài do thủ tục đơn giản, nhanh gọn”, bà nói.

Ông Phan Minh Thông – CEO Phúc Sinh Group, cũng thừa nhận, hệ thống pháp luật chồng chéo và thủ tục hành chính phức tạp là rào cản lớn đối với doanh nghiệp tư nhân. Các quy định thay đổi liên tục, thiếu sự đồng bộ giữa các bộ ngành khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian để thích ứng.
Điển hình, trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, việc kiểm tra chuyên ngành kéo dài. Cùng một sản phẩm nhưng phải qua nhiều cơ quan xét duyệt khác nhau, làm tăng thời gian thông quan, chi phí lưu kho và ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng.
Hay như chính sách hoàn thuế VAT, dù doanh nghiệp xuất khẩu 100% nhưng thủ tục hoàn thuế vẫn phức tạp, mất nhiều tháng chờ đợi, ảnh hưởng đến dòng tiền lưu động cho sản xuất.
Ngoài ra, quy trình cấp phép đầu tư, đặc biệt với các dự án liên quan đến vùng nguyên liệu và chế biến nông sản, thường mất nhiều thời gian do yêu cầu hồ sơ pháp lý dày đặc. Trong khi, doanh nghiệp rất cần một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định, hỗ trợ thực chất để có thể tập trung vào phát triển kinh doanh, thay vì mất quá nhiều nguồn lực vào thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Hiện tại, liên quan đến một số dự án mới hoặc mở rộng sản xuất, doanh nghiệp phải xin phép từ ấp, xã, huyện, sở, tỉnh và thậm chí cả Trung ương. Chờ 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm chưa được phê duyệt thì không chỉ mất đi cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh mà còn bào mòn nhuệ khí của doanh nghiệp.
Chưa kể, quá trình “xin phép” các cấp, doanh nghiệp còn phải đặt tiền cọc bảo lãnh dự án, phải chứng minh nguồn vốn đầu tư.
“Hoàn thành thủ tục, phải sau 3-5 năm dự án/đề án mới được cấp giấy phép đầu tư. Vì thế, lãi vay ngân hàng thường rất lớn, đồng tiền mất giá khiến dự án đội vốn lớn”, ông Nam nêu thực tế.
Cần tạo môi trường và nuôi dưỡng cảm xúc
Để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ và vươn tầm quốc tế, ông Phan Minh Thông cho rằng, cần phát triển hệ sinh thái logistics thông minh. Một hệ thống cảng biển, kho bãi, đường sắt và hạ tầng giao thông kết nối sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, cần có cơ chế vay vốn linh hoạt với lãi suất ưu đãi hơn để đầu tư vào vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến và công nghệ.

Cùng với việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan, kiểm định và hoàn thuế VAT, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chương trình đào tạo, chứng nhận quốc tế và đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại, giúp nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam.
“Nếu môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội bứt phá, đưa thương hiệu Việt vươn xa trên thị trường quốc tế”, ông Thông nói.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Nhà nước cần tạo môi trường và nuôi dưỡng cảm xúc để doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong đầu tư, mạnh dạn trong mở rộng sản xuất, bắt kịp cơ hội tăng trưởng.
Ông kiến nghị, các chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân cần phân định rõ giữa nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phải phân định rõ thành 2 lĩnh vực: doanh nghiệp nông nghiệp – thủy sản và doanh nghiệp các lĩnh vực còn lại. Việc này nhằm đảm bảo tính công bằng trong chính sách và huy động nguồn lực, để nuôi dưỡng phù hợp cả tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế và cả “cảm xúc” được công bằng và cống hiến.
Các quy định pháp luật và thủ tục hành chính phải thông thoáng, dễ hiểu, minh bạch; bãi bỏ các quy định chồng chéo, bất hợp lý, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, FDI; tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động thay vì nghiêng về kiểm soát. Cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ để doanh nghiệp tư nhân không tiếp tục bị “bào mòn” nhiệt huyết. Những nội dung quy định tạo “nghẽn” cần rà soát, bãi bỏ hoặc sửa đổi.
“Mỗi tỉnh, thành lập một trung tâm – có thể gọi là ‘Trung tâm khởi nghiệp’ hoặc ‘Trung tâm sáng tạo, phát triển’ – thực hiện ít nhất 3 chức năng: hỗ trợ pháp lý, chuyển giao công nghệ và thẩm định dự án. Đây là nơi điều phối, tổ chức và hỗ trợ kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân ở mỗi tỉnh, theo các quyết sách của Nhà nước”, Tổng Thư ký VASEP đề xuất.

