Công ty AMI Quảng Bình ký kết thoả thuận phát triển dự án điện gió tại Lào
Chiều 6/7, tại thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào), Công ty CP Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình và đại diện Chính phủ Lào đã ký kết thỏa thuận phát triển dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet.
Trước đó, vào tháng 12/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã ký thỏa thuận với Công ty CP Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình (công ty AMI Quảng Bình) về việc nghiên cứu khảo sát dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet (quy mô giai đoạn 1 là 252 MW, quy mô diện tích 2.687ha ) tại huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet.
Ông Nguyễn Nam Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty AMI Quảng Bình (bên trái ảnh) và Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lào Sathabandit Insixiengmay (phải ảnh) trao đổi thoả thuận phát triển dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet. Ảnh: Ngọc Mai |
Đến tháng 1/2023, dự án này đã được đưa vào Biên bản kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Lào-Việt Nam, được hai chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi để triển khai.
Sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào phê duyệt đánh giá tác động môi trường và báo cáo tiền khả thi, chấp thuận bổ sung dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet – Giai đoạn 1 công suất 187,2MW (có thể nâng công suất lên tối đa 252MW) vào danh sách các dự án xuất khẩu điện từ Lào về Việt Nam trước năm 2025, công ty AMI Quảng Bình đã tiến hành đàm phán hợp đồng phát triển dự án.
Ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào đã phê duyệt và ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đại diện ký kết thỏa thuận phát triển dự án với Công ty AMI Quảng Bình.
Theo tiến độ, công ty AMI Quảng Bình sẽ hoàn thành và trình phê duyệt báo cáo khả thi cuối cùng vào tháng 9/2023, ký kết hợp đồng nhượng quyền vào cuối năm 2023, khởi công dự án vào quý II/2024 và phát điện thương mại vào quý IV/2025.
Trên cơ sở báo cáo tiền khả thi, hiện công ty AMI Quảng Bình đã trình Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phương án đấu nối và đầu tư toàn bộ tuyến đường dây truyền tải; đề xuất với Ủy ban Biên giới Lào và Việt Nam phối hợp cùng với tỉnh Quảng Trị và Savannakhet kiểm tra thực địa vị trí đường dây và phương án vận chuyển thiết bị nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Phát biểu tại lễ ký, ông Nguyễn Nam Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty AMI Quảng Bình cam kết sẽ thực hiện đúng các điều khoản, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, góp phần thiết thực, hiệu quả vào hoạt động hợp tác kinh tế Quảng Bình – Savannakhet nói riêng, Việt Nam – Lào nói chung trong giai đoạn mới, chung tay vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Đại diện cho Chính phủ nước CHDCND Lào, tiến sĩ Sathabandit Insixiengmay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào nhấn mạnh, phát triển năng lượng là một trong những lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội hiện đại, xanh và bền vững của nước CHDCND Lào hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào mong muốn nhà đầu tư công ty AMI Quảng Bình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, quan tâm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã ký kết.
Dự án cụm trang trại điện gió BT do công ty AMI Quảng Bình thực hiện tại tỉnh Quảng Bình. |
Được biết, công ty AMI Quảng Bình là nhà đầu tư lớn của tỉnh Quảng Bình, đã đầu tư dự án Cụm trang trại điện gió B&T (công suất 252MW), và là công trình điện gió trên bờ có công suất hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Bắc Trung bộ.
Với quy mô công suất toàn bộ dự án là 1.220 MW, dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD, đây là dự án lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam đầu tư tại Lào đến thời điểm này.
Dự án sẽ là biểu trưng cho tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Quảng Bình – Savannakhet nói riêng và Việt Nam – Lào nói chung. Bên cạnh đó, dự án sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực biên giới Việt Nam-Lào tại Quảng Bình. Đây cũng là điều kiện thuận lợi trong lộ trình mở, nâng cấp Cửa khẩu Chút Mút (Quảng Bình) – Lạ Vin (Savannakhet) theo quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.