Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đề cập đến những nguy cơ khác bao gồm sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và sự phát triển quá nhanh của trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhóm nghiên cứu của UEB do PGS.TS. Vũ Thanh Hương, Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đứng đầu đã xếp căng thẳng địa chính trị và các cuộc bầu cử ở vị trí đầu tiên trong số các rủi ro đối với kinh tế toàn cầu năm 2024. Nhóm rủi ro này bao gồm nguy cơ xung đột leo thang và lan rộng ở Trung Đông, chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, và siêu chu kỳ bầu cử.
Nghiên cứu nhận định chiến tranh Israel-Hamas ở dải Gaza, các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các chuyến tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ, và giao tranh tiếp diễn giữa Nga và Ukraine đã và đang dẫn tới những ảnh hưởng bất lợi đối với kinh tế thế giới. Trong đó đặc biệt phải kể tới tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng, đẩy giá năng lượng tăng, và kéo theo chi phí logistic cao hơn.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London – giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu – đã tăng từ mức dưới 76 USD/thùng vào thời điểm đầu năm nay lên mức hơn 90 USD/thùng hiện nay, tương đương tăng hơn 18%.
“Tình trạng này dẫn tới chi phí hàng hoá tăng và kéo áp lực lạm phát toàn cầu tăng theo”, bà Hương phát biểu.
Bên cạnh đó, các cuộc xung đột cũng gây gián đoạn chuỗi cung ứng và các hoạt động thương mại, từ đó đặt ra rào cản đối với tăng trưởng kinh tế giữa lúc sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 còn chậm chạp.
Cuộc đối đầu Mỹ-Trung là một rủi ro địa chính trị khác đối với kinh tế thế giới năm nay. Nhóm nghiên cứu của UEB đề cập đến kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3 năm nay và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 11. Bà Hương nhận định các chính sách mà Bắc Kinh công bố tại kỳ họp Quốc hội, cũng như chủ trương của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều cho thấy cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục gay gắt.
Nhóm nghiên cứu nhận định nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ chịu sự chi phối của siêu chu kỳ bầu cử, khi 76 quốc gia tiến hành bầu cử, với khoảng 50% dân số thế giới đi bỏ phiếu.
Rủi ro thứ hai mà các nhà nghiên cứu của UEB đưa ra trong nghiên cứu mang tên “Kinh tế Thế giới quý 1/2024: Rủi ro, bất định và phân mảnh” là sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Nhóm chuyên gia nhận định sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc là mang tính dài hạn. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế mà nghiên cứu trích dẫn, tốc độ tăng trưởng của kinh tế bình quân hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm từ mức đỉnh trên 10% vào thập niên 1990 và thập niên 2000 xuống còn 4,4% vào thập niên 2020, 3% vào thập niên 2030 và 2% vào thập niên 2040.
“Những nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và thị trường Trung Quốc có thể phải đối mặt với sự giảm sút nhu cầu trong nhiều lĩnh vực từ hóa chất đến điện tử và máy móc. Các công ty và quốc gia có thể phải cân nhắc lại chiến lược kinh doanh và chuỗi cung ứng”, nhóm nghiên cứu viết.
Rủi ro thứ ba là sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu. Nhóm nghiên cứu đề cập xung đột chính trị leo thang đẩy giá hàng hoá, dịch vụ và năng lượng tăng trở lại, đặt ra trở ngại cho cuộc chiến chống lạm phát ở một số nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu. Điều này khiến các ngân hàng trung ương phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Thậm chí gần đây đã xuất hiện những dự báo cho rằng Fed không thể giảm lãi suất trong năm 2024.
Những biến động đó dẫn tới xu hướng chính sách tiền tệ trái chiều giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ, châu  và Trung Quốc, Nhật Bản, khiến cho sự bất định trên thị trường tài chính toàn cầu càng lớn hơn.
Cũng nằm trong nhóm rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu là mức nợ kỷ lục của thế giới. Nợ toàn cầu, gồm số tuyệt đối và tương đối thiết lập kỷ lục mới trong năm 2023. Trong đó, tổng nợ toàn cầu đạt mức 313 nghìn tỷ USD và tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu lên tới 330%. Sự gia tăng chóng mặt của nợ là “một diễn biến đi ngược với điều kiện tài chính thắt chặt ở hầu hết các nền kinh tế lớn” – theo nhóm nghiên cứu.
Rủi ro thứ tư được báo cáo của nhóm tác giả trường UEB đề cập đến là rủi ro công nghệ. Báo cáo cho rằng trong bối cảnh sự nổi lên nhanh chóng của AI, một rủi ro lớn đặt ra là chính sách quản lý không theo kịp sự phát triển của AI. “Thông tin sai lệch mà AI đưa ra, nhất là trong một năm có nhiều cuộc bầu cử trên thế giới như năm nay, đã được đưa vào top 10 rủi ro mới của năm 2024”, bà Hương nhấn mạnh.
Rủi ro thứ năm là rủi ro khí hậu, với sự trở lại của hiện tượng El Nino làm gia tăng nguy cơ xảy ra thảm hoạ tự nhiên. Biến đổi khí hậu đang đặt ra rủi ro lớn đối với an ninh lương thực và nguồn nước, từ đó có nguy cơ dẫn tới mất an ninh lương thực và nguồn nước, có thể dẫn tới bất ổn chính trị – xã hội.
Và rủi ro thứ sáu đối với kinh tế toàn cầu năm nay theo nghiên cứu của UEB là sự phân mảnh trên toàn cầu, bao gồm phân mảnh giữa các quốc gia, phân mảnh thương mại và chính sách thương mại, phân mảnh về chính sách đầu tư… Tất cả đều dẫn đến sự gia tăng chi phí giao dịch, giảm khả năng tiếp cận thị trường, giá cả tăng đối với người tiêu dùng, suy giảm tiềm năng tăng trưởng, ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực đến các quốc gia có mức độ phụ thuộc lớn vào thương mại, và suy giảm tác dụng của các hiệp định tự do thương mại (FTA).
“Tất cả những rủi ro này không mới, nhưng đang ngày càng trở nên nổi cộm hơn trong nền kinh tế toàn cầu”, bà Hương nói khi trình bày nghiên cứu trên tại buổi toạ đàm “Nhận diện kinh tế quý 1/2024, ‘mở lối’ cho kinh tế cả năm”. Đây là buổi toạ đàm do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy phối hợp với trường UEB tổ chức.
Trong tham luận tại toạ đàm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, đồng tình với nhận định của mà nhóm tác giả UEB đưa ra về rủi ro kinh tế toàn cầu năm nay. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh lạm phát và lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn còn cao là một rủi ro đặc biệt lớn đối với kinh tế thế giới.
“Từ mức đỉnh gần 9% vào năm 2022, lạm phát toàn cầu sẽ giảm còn dưới 4% vào cuối năm nay và 3,2% vào cuối năm 2025”, ông Lực nói. Theo vị chuyên gia, rủi ro lạm phát tăng trở lại đang khiến các ngân hàng trung ương phải trì hoãn việc hạ lãi suất, chẳng hạn Fed có thể phải đến tháng 9 mới bắt đầu giảm lãi suất.
“Tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay có vẻ sẽ đi ngang hoặc giảm một chút so với năm ngoái. Nhưng có một điều tích cực là khả năng chống chịu của các nền kinh tế hiện nay đã tốt hơn trước. Kinh tế Mỹ và châu Âu lẽ ra đã suy thoái, nhưng cuối cùng đã không rơi vào một cuộc suy thoái nào”, ông Lực phát biểu.