Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Ninh Bình xác định công nghiệp văn hóa, du lịch là mũi nhọn.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Ninh Bình với Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cuối tuần qua, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, với định hướng, quan điểm phát triển theo hướng “Xanh, bền vững, hài hòa”, tỉnh Ninh Bình tập trung vào 4 “hóa”: tài sản hóa di sản, bảo tàng hóa di sản, phim trường hóa di sản và công viên hóa di sản; chuyển đổi từ hội nhập kinh tế nông sang hội nhập kinh tế sâu.
Ông Đoàn Minh Huấn cho hay, lợi thế khác biệt của Ninh Bình so với 62 tỉnh thành trên cả nước là tỉnh có sự quyện chặt, hài hoà giữa di sản văn hoá và di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận. Đây còn là địa phương duy nhất tại Đông Nam Á được UNESCO vinh danh ở cả hai lĩnh vực di sản thiên nhiên và văn hoá.
Tuy nhiên, Bí thư tỉnh Ninh Bình nêu thực trạng, địa phương mới chỉ khai thác các sản phẩm thô mà thiếu những sản phẩm tinh, chẳng hạn như kết hợp yếu tố văn hóa, du lịch với khoa học công nghệ để tạo bản sắc riêng cho du lịch Ninh Bình.
“Vì chưa có nền công nghiệp văn hoá sáng tạo nên lâu nay, Ninh Bình vẫn phát triển bó quanh du lịch chứ chưa là công nghiệp văn hoá sáng tạo. Tỉnh xác định tài nguyên hàng đầu là tài nguyên di sản, bao gồm di sản thiên nhiên và di sản văn hoá, nhưng để chuyển hoá thành kinh tế di sản thì phải ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phục dựng lại văn hoá kinh đô xưa”, ông Huấn nói.
Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, cho rằng thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa sẽ là nền tảng vững chắc để Ninh Bình bước vào chu kỳ phát triển mới nhanh, bền vững và trách nhiệm; một thành phố hiện đại, tráng lệ, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng chia sẻ, gợi mở định hướng, xu hướng phát triển theo quy hoạch không gian xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; khuyến nghị những vấn đề về công tác quy hoạch các tòa nhà, cơ sở hạ tầng thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
PGS-TS. Đinh Thanh Hương, Giám đốc Điều hành Tri thức và Dự án tại AVSE Global, đồng thời là Giám đốc Tài chính Pháp, Dịch vụ Tài chính và đầu tư, Ngân hàng BNP Paris, đề xuất chiến lược phát triển cho Ninh Bình thời gian tới dựa trên một chữ “DINH”, một dòng họ phổ biến ở Ninh Bình (họ Đinh).
Đó là 4 yếu tố gồm D (Digitalization – Số hóa), I (Innovation – Sáng tạo), N (Nature & Heritage – Thiên nhiên & Di sản) và H (Human – Con người).
Với định hướng là một thành phố toàn cầu, các chuyên gia khuyến nghị Ninh Bình cần đặc biệt chú trọng việc khai thác các giá trị văn hóa, thiên nhiên theo hướng đi sâu về chất lượng, các công trình, dự án mang tính biểu tượng.
Cùng với đó, xây dựng tiêu chuẩn giảm thiểu khí thải carbon, phát triển du lịch Net Zero và xây dựng tỉnh là một trung tâm tổ chức sự kiện trong nước và quốc tế, trở thành nơi trao đổi văn hóa không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.
“Phát triển du lịch của Ninh Bình không thể dựa vào vốn vì không thể đua được với thế giới. Chỉ có thể dựa trên những gì tỉnh đang có cộng thêm các yếu tố về đổi mới sáng tạo và con người. Thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam có, nhưng điểm chạm của địa phương ít nên không níu giữ được du khách. Di sản đời sống mới là yếu tố hút khách”, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, nêu ý kiến.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, Ninh Bình trong tương lai cần mạng lưới Internet chất lượng cao phủ sóng trên toàn thành phố; hệ thống quản lý hành chính công trực tuyến; nâng cấp cổng thông tin điện tử và ứng dụng di động.
Bên cạnh đó, cần phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường; ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Gắn với đa dạng sinh học; bảo tồn và phát triển di sản thiên nhiên; gắn kết cộng đồng và nâng cao nhận thức, hợp tác quốc tế.