Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, đến 30/6, giải ngân đạt 216.000 tỷ đồng, đạt khoảng 30,49% kế hoạch Chính phủ giao và cao hơn cả về giá trị tuyệt đối và tương đối so với cùng kỳ 2022.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: Nhật Bắc) |
Cung cấp thông tin về giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, dự kiến đến 30/6, số liệu giải ngân đạt gần 216.000 tỷ đồng, đạt khoảng 30,49% kế hoạch Chính phủ giao và cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%). Đặc biệt, nếu so sánh giá trị tuyệt đối thì cao hơn 65.000 tỷ đồng so với năm 2022.
“Điều đó cho thấy chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công”, ông Phương nói.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là khoảng 711.000 tỷ đồng – là nhiệm vụ khá lớn, nặng nề, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành phải tiếp tục nỗ lực, triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong 6 tháng cuối năm, để đáp ứng mục tiêu giải ngân được tối thiểu 95% tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ được giao.
Dự báo khả năng giải ngân kế hoạch vốn được giao, Thứ trưởng Phương cho biết, từ năm 2021 đến nay, hầu hết tiến độ giải ngân của các năm gần đây cơ bản đạt hơn 90%. “Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin từ nay đến cuối năm đạt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đề ra”, ông nói.
Bên cạnh đó, dưới sự đôn đốc của Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm về giao thông đã được khởi công, Thứ trưởng cho rằng đây là tín hiệu tốt để củng cố cho dự báo trên.
Bởi lẽ, khi bắt đầu khởi công một dự án, toàn bộ phần tiền giải ngân giai đoạn đầu của dự án tập trung vào giải phóng mặt bằng. “Giải phóng mặt có lượng vốn lớn sẽ được giải ngân ngay lập tức, không phụ thuộc vào tiến độ thi công, để có thể trả ngay cho người dân, giúp cho khối lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khá hơn”, Thứ trưởng lý giải.
Một điểm thuận lợi nữa cũng được Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu lên, đó là kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XV vừa qua đã quyết nghị tháo gỡ cho giải ngân vốn đầu tư công cũng như cho phép tiếp tục giao nguồn vốn trung hạn vào các dự án chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện có thêm dự án để triển khai từ giờ đến cuối năm. Hơn nữa, Quốc hội cho phép điều hòa linh hoạt giữa nguồn vốn của chương trình phục hồi và các dự án kế hoạch đầu tư trung hạn, để đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 43, phấn đấu giải ngân hết trong năm 2023 đúng theo yêu cầu của Quốc hội.
Đó là những điểm thuận lợi để chúng ta hoàn tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ.