Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025. Trong đó, đề cập đến vấn đề về phát triển thị trường tài chính.
Cụ thể, Chính phủ đặt nhiệm vụ triển khai hiệu quả nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam; phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn để huy động nguồn lực cho nền kinh tế.
Năm 2025, Việt Nam phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Với kịch bản nâng hạng, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí FTSE. Trong buổi họp gần đây nhất, FTSE đánh giá cao việc Việt Nam đưa Thông tư 68 để nhà đầu tư nước ngoài giao dịch không cần ký quỹ. Theo đó, từ nay đến tháng 3, FTSE sẽ thu thập ý kiến NĐTNN với Thông tư 68, đánh giá hiệu quả ổn định của quy định mới.
Đồng thời, đơn vị này cũng đang hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm hoàn thiện thị trường theo chuẩn quốc tế, thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm…
Dự báo đạt 9/9 tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9/2025
Chứng khoán SSI cho rằng, kịch bản cơ sở của nhóm phân tích kỳ vọng FTSE có khả năng công bố nâng hạng thị trường Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, và việc triển khai thực tế có thể diễn ra từ tháng 3/2026.
Dựa trên giá trị vốn hóa thị trường ròng của Việt Nam ở mức 43 tỷ USD từ FTSE Russell, tổng vốn vào ròng có thể đạt mức cao 1,6 tỷ USD sau khi FTSE Russell nâng hạng tại kỳ tái cơ cấu và điều này chưa tính đến dòng tiền từ các quỹ chủ động.
Bên cạnh đó, các chuyên gia SSI kỳ vọng việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ kết quả nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel.
“Chúng tôi cần lưu ý rằng các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn”, nhóm phân tích đề cập.
Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research cho rằng, với kịch bản nâng hạng, thanh khoản thị trường dự báo sẽ tăng bật lại, khối ngoại mua ròng.
Ông Sơn phân tích, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động. Nhìn lại các quốc gia đã có câu chuyện nâng hạng, dòng vốn vào rất mạnh. Riêng Trung Quốc, nhóm cổ phiếu A Share huy động 200 tỷ USD.
“Năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam có bước ngoặt rất quan trọng, hút được vốn lớn và kích hoạt vốn trong nước. Dự báo nửa đầu năm nhiễu động nhưng cuối năm thăng hoa, VN-Index cao nhất năm 1.400 điểm. Cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ rơi vào thời điểm nửa đầu năm”, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research khuyến nghị.
Dù vậy, ACBS cho rằng, tỷ trọng Việt Nam trong nhóm thị trường mới nổi thứ cấp dự kiến không đáng kể. Tuy nhiên, việc bắt đầu được phân loại vào nhóm thị trường mới nổi sẽ giúp cải thiện đáng kể vị thế cũng như hình ảnh của thị trường Việt Nam.
Theo ước tính của ACBS, VN-Index sẽ chiếm khoảng 0,3 – 0,4% tỷ trọng trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE. Theo ACBS tính toán, ước tính sẽ có 222 mã chứng khoán đủ điều kiện vào danh mục của FTSE. Tuy nhiên, tỷ trọng của từng mã sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ vốn hóa có thể đầu tư của từng mã. Như vậy, top 20 cổ phiếu chiếm 0,218% trên tổng 0,366% vốn hóa của thị trường Việt Nam, tương đương 60%.
Như vậy, thị trường Việt Nam sẽ có khoảng 300 – 400 triệu USD từ quỹ chỉ số thụ động của Vanguard FTSE Emerging Markets ETF. Theo ước tính của FTSE Russell, tổng vốn từ các quỹ chủ động và bị động sẽ đạt khoáng 5 – 6 tỷ USD.