An Giang: Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2023
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh An Giang trong 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 6,50%, các khu vực đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2022.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh An Giang tại Kỳ họp thứ 14, HĐND Tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026), tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm nay của tỉnh tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 6,50% so với cùng kỳ, các khu vực đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, quy mô sản xuất một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như thủy sản đông lạnh, quần áo may mặc, xi măng, dược phẩm… được mở rộng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất (theo giá so sánh) ngành công nghiệp ước đạt 19.661 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,76% so với cùng kỳ.
Về thương mại, dịch vụ, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 42.637 tỷ đồng, tăng 17,40% so với cùng kỳ.
Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang |
Tình hình xuất khẩu tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, các mặt hàng chủ lực đều tăng khá so với cùng kỳ cả về sản lượng và kim ngạch. Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2023 đạt 574 triệu USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh như: xuất khẩu gạo ước đạt gần 290,4 ngàn tấn, tương đương 158,7 triệu USD; xuất khẩu thủy sản đông lạnh ước đạt 60 ngàn tấn, tương đương 154,3 triệu USD; rau quả đông lạnh ước đạt 6,1 ngàn tấn, tương đương 9,9 triệu USD; hàng may mặc ước xuất khẩu đạt 76,7 triệu USD…
Đặc biệt, điểm sáng của xuất khẩu gạo là Công ty cổ phẩn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng đến 400 ngàn tấn gạo xuất sang thị trường EU trong năm 2023.
Tình hình phát triển du lịch có nhiều điểm tích cực so với cùng kỳ nhờ dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, cả nước đã mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch trong và ngoài nước. Đến hết tháng 6/2023, ước toàn tỉnh đón tổng số 6 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 15% so với cùng kỳ và đạt 75% so với kế hoạch năm 2023. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và đạt 71% so với kế hoạch cả năm.
Về đầu tư, xây dựng cơ bản, ước giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2023 (kể cả vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023) 6 tháng năm 2023 là 3.237.090 triệu đồng, đạt 40,80% kế hoạch vốn đã giao. So với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân 6 tháng năm 2023 cao hơn 20,85% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,95%). Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 1.571.607 triệu đồng, đạt 40,07% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt 1.665.483 triệu đồng, đạt 41,52% kế hoạch.
Về phát triển doanh nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 duy trì ổn định. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có khoảng 151 doanh nghiệp và 65 đơn vị trực thuộc tái hoạt động. Đồng thời, có 500 doanh nghiệp và 350 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới với tổng số vốn đăng ký mới là 4.640 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng 11,11%, số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động tăng 12,90%, số vốn đăng ký tăng 13,17%.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 240 doanh nghiệp, giảm 5,88% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 45 doanh nghiệp, giảm 10% so với cùng kỳ.