Tuy còn nhiều thách thức cần có giải pháp tháo gỡ trong phát triển kinh tế- xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế thủy sản, kinh tế biển, nhưng Cà Mau vẫn có nhiều điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2023.
Du lịch Xuyên rừng Cà Mau bằng ca nô được du khách ưa thích |
Tăng trưởng kinh tế: Top 2 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, GRDP quý II của Cà Mau tăng 7,69% so cùng kỳ năm 2022, tuy có chiều hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn bình quân chung cả nước (3,55%). Lũy kế 6 tháng đầu năm ước tăng 8,61%; đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL và thứ 5 cả nước.
Cà Mau đạt mức tăng trưởng cao, tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 14,08%, mà hầu hết tại Cụm Khí – Điện – Đạm từ huy động nguồn khí cho 2 nhà máy điện.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh giải ngân đạt trên 1.300 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch vốn. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt nhận định, tuy mức giải ngân cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.
“Đáng ra, đến cuối tháng 5 phải đạt 40% kế hoạch, nhằm đảm bảo tiến độ trong năm, trong khi đang bước vào mùa mưa, việc xây dựng sẽ bị ảnh hưởng”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ và cho biết, qua kiểm tra tại các công trình, dự án nhận thấy, tiến độ thi công còn khá chậm chạp, mà nguyên nhân đến từ chủ quan, năng lực nhà thầu còn hạn chế, chưa có kế hoạch thi công cụ thể…
Tổ chức lại ngành hàng thật chuẩn. Xây dựng hình ảnh cua Cà Mau, trước là cho thị trường 100 triệu dân Việt Nam trước khi nghĩ đến xuất khẩu.
Về tỷ lệ giải ngân rất thấp ở Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững khi chỉ đạt 7,5% kế hoạch và Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ mới đạt 3% kế hoạch vốn, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin nhiều địa phương khác trong nước có tỷ lệ giải ngân thuộc nguồn vốn này đạt từ 60-70%.
“Tỉnh sẽ có đợt phát động thi đua thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và ngay sau đó sẽ thành lập các đoàn công tác đi các địa phương kiểm tra việc thực hiện các chương trình này, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công”, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho hay.
Xuất khẩu thủy sản, chủ yếu từ con tôm trong 5 tháng qua ước đạt 383,4 triệu USD, bằng 32% kế hoạch, giảm 24,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do xuất khẩu tiếp tục gặp khó, biến động thị trường không thuận lợi và chưa có dấu hiệu khởi sắc, kéo theo giá tôm nguyên liệu giảm sâu từ tôm sú đến tôm thẻ ở các kích cỡ và hình thức nuôi, ảnh hưởng đến đời sống người nuôi tôm, đến sự bền vững của nghề nuôi tôm trong tỉnh.
Qua ghi nhận tại vùng nuôi ở các huyện ven biển, nhiều hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn đang cố giữ lại tôm nuôi để chờ giá, nhưng tôm càng lớn thì tốn kém thức ăn càng nhiều, mà giá thì càng giảm, chưa có dấu hiệu tăng trở lại, cần có giải pháp nhanh và kịp thời, nhất là làm sao giảm được giá vật tư đầu vào sản xuất.
Hiện giá tôm giảm có tác động lớn đến đối tượng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, dẫn đến ngành kinh tế thủy sản đang gặp khó, phần nào tác động đến thu hút đầu tư và kinh doanh gặp nhiều trở ngại. Từ đầu năm đến nay, Cà Mau có 237 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký chỉ trên 1.000 tỷ đồng (cùng kỳ cấp 298 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng), trong khi đó có 68 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, 185 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.
Trước thực trạng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt tiếp tục chỉ đạo tập trung mở rộng thị trường trong nước, thành lập nhiều kênh phân phối nhằm tạo đầu ra cho con tôm nguyên liệu, tránh dẫn đến đứt gãy sản xuất.
Nhận định đầu ra cho con tôm nuôi sẽ tiếp tục gặp nhiều do tình hình của thế giới đang tiếp tục biến động khó lường, sức mua giảm, nhất là tại thị trường châu Âu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai, nhân rộng các hình thức sản xuất hiệu quả, nhất là những hình thức liên kết sản xuất, tạo chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo đầu ra ổn định.
Điểm dừng chân tại bãi bồi chót mũi Cà Mau |
Nhiều cách làm nâng cao giá trị kinh tế thủy sản
Xuất khẩu tiếp tục gặp khó do biến động thị trường, kéo theo giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Giải pháp được ngành nông nghiệp khuyến cáo là, tăng cường áp dụng công nghệ để hạ chi phí sản xuất trong các khâu, nâng chất lượng sản phẩm con tôm Cà Mau.
Đáng chú ý, mô hình Máy ủ vi sinh trong nuôi tôm công nghiệp của chị Huỳnh Cẩm Ngân (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn). Ðiều đáng trân trọng hơn là, chị Ngân sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho những hộ muốn làm theo mô hình của chị.
Gia đình chị Ngân đang nghiên cứu máy ủ vi sinh phục vụ nuôi tôm. Việc sử dụng máy sẽ hạn chế sức người và tiết kiệm được lượng lớn vi sinh trong quá trình nuôi tôm. Ðồng thời, giúp làm giảm chi phí thuê lao động chất lượng cao.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, sản xuất tôm – lúa là mô hình thích nghi với biến đổi khí hậu, được nhiều nhà khoa học và người nuôi đánh giá bền vững về mặt môi trường, do có tính đa dạng loài và áp dụng các biện pháp “quản lý tổng hợp”, giảm nhu cầu sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới
Được biết, mô hình sản xuất lúa – tôm tại Cà Mau được hình thành từ năm 2000, tập trung chủ yếu ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau. Diện tích lúa – tôm toàn tỉnh khoảng 35.900 ha, đaaây được đây giá là mô hình bền vững đang được ngành nông nghiệp Cà Mau khuyến khích nhân rộng.
Ngoài mô hình tôm – lúa, nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau cũng mang lại hiệu quả cao. Theo Ban Quản lý Tiểu dự án 8 (ICRSL Cà Mau), đến tháng 11/2022, Dự án đã hỗ trợ thành lập được 60 tổ nhóm, với trên 3.200 người tham gia, triển khai trên 10.600 ha diện tích nuôi tôm rừng đạt chứng chỉ quốc tế, tạo ra giá trị 249 tỷ đồng/vụ.
Hiệu quả tài nguyên nước tăng lên rõ rệt, khi lượng nước sử dụng đã giảm 120.000 m3/năm/4 ha; như vậy, với trên 10.600 ha, lượng nước đã giảm khoảng 319 triệu m3/năm. Về kinh tế, mỗi hécta lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/năm ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm – rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP…), sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.
Sản phẩm tôm – rừng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua với mức giá cao hơn khoảng 5-10% so với sản phẩm truyền thống khác. Bên cạnh đó, với diện tích tôm – rừng được chứng nhận, các doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 250 – 500 ngàn đồng/ha/năm và hỗ trợ về con giống có chất lượng cao để thả nuôi.
Theo Ban Quản lý trung ương các dự án thuỷ lợi (CPO), qua 6 năm thực hiện, Dự án MD-ICRSL do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đã giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Các loại hình sinh kế của Dự án đã chứng minh có thể là giải pháp thay thế cho các loại hình sinh kế truyền thống.
Xây dựng thương hiệu thủy sản Cà Mau
Cà Mau cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển thương hiệu cua Cà Mau tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm này không chỉ tại thị trường trong và ngoài nước, nhất là về chỉ dẫn địa lý cũng cần nghiên cứu có mã số riêng cho từng con cua để xác định nguồn gốc xuất xứ, hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem chống hàng giả… để làm thương hiệu cho cua Cà Mau,
Ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp xây dựng đề án tổng thể cho sản phẩm cua Cà Mau như chỉ dẫn địa lý, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ logistics.
“Tổ chức lại ngành hàng thật chuẩn, từ con giống, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói. Xây dựng hình ảnh cua Cà Mau, trước là cho thị trường 100 triệu dân Việt Nam trước khi nghĩ đến xuất khẩu”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói.
Thời gian tới, để nâng cao chuỗi ngành hàng thủy sản Cà Mau, tỉnh Cà Mau cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lồng ghép Festival Tôm Cà Mau với Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc lồng ghép rất phù hợp, giúp sự kiện có quy mô hơn, tập trung hơn và tiết kiệm được kinh phí. Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định sẽ phối hợp với tỉnh để thực hiện, điểm nhấn sẽ tập trung vào tôm sinh thái Cà Mau, không chỉ gắn với du lịch, mà còn đẩy mạnh đầu tư, kết nối thương mại.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chỉ là cơ quan quản lý xử lý kiến nghị, mà sẽ đóng vai trò tư vấn cho Cà Mau trong việc thực hiện sự kiện này.