Hai “rào chắn” mang tên “vật liệu thông thường” và “mặt bằng” đang làm chậm tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông – “đầu tàu” về giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông – Vận tải trong năm 2023.
Nhà thầu thi công hầm đường bộ Núi Vung – hạng mục quyết định tiến độ của Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo. |
Bóc dần những đường găng
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) không giấu được cái thở phào nhẹ nhõm khi chứng kiến thời khắc hai mũi đào từ hướng Bắc và hướng Nam của hầm đường bộ Núi Vung do các đơn vị thuộc Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, được nối thông với độ chính xác tuyệt đối.
“Hầm đường bộ Núi Vung chính thức được đục thông vào chiều 3/7, sau gần 20 tháng triển khai, không chỉ thể hiện trình độ kỹ thuật, bản lĩnh của nhà thầu trong nước, mà còn giúp chủ đầu tư kiểm soát được toàn bộ tiến độ triển khai Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo”, ông Tuấn đánh giá.
Hạng mục đường bộ Núi Vung, tuy không quá dài (2,2 km), nhưng lại đi qua khu vực có đới địa chất phức tạp, chủ yếu là đá phong hóa mạnh, có thể bẻ vụn bằng tay nên được Bộ GTVT xác định là vị trí có thách thức lớn về mặt kỹ thuật của quá trình đầu tư đóng mạch toàn tuyến tốc Bắc – Nam phía Đông.
Đối với, Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm – Nha Trang (doanh nghiệp dự án), hạng mục hầm đường bộ Núi Vung chính là đường găng tiến độ, quyết định đến khả năng hoàn thành Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 vào ngày 30/4/2024.
Đến hết tháng 6/2023, Bộ GTVT giao chi tiết cho các dự án với tổng số 95.196/95.222 tỷ đồng (đạt 99,9%). Còn lại 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương chưa thể phân bổ do chưa có kế hoạch trung hạn. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.
Kế hoạch vốn năm 2023 chủ yếu tập trung giao cho 12 chủ đầu tư, ban quản lý dự án do Bộ GTVT quản lý (được giao 86.795 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 91,2% tổng số vốn được giao của Bộ GTVT); các chủ đầu tư còn lại (gồm: 24 sở GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và 2 trường cao đẳng) được giao 8.400 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 8,8%) chủ yếu tập trung để quyết toán dự án và hoàn vốn ứng trước.
Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong giai đoạn đầu, Tập đoàn Đèo Cả phải tổ chức thi công thận trọng và chấp thuận bổ sung thêm một lượng lớn chi phí tăng cường kết cấu chống đỡ. Sau khi tìm được giải pháp thi công tối ưu, đơn vị này đã lập tức tổ chức thi công 3 ca/ngày, xuyên lễ, tết để bù đắp tiến độ.
Theo ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo, việc thông hầm có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là công tác điều phối nhân sự, phương tiện, vật tư vật liệu có thể đi xuyên qua hầm để phục vụ thi công dự án, không phải đi vòng như trước đây. Điều đó giúp ích rất lớn để Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoàn thành kịp tiến độ hợp đồng.
Cần phải nói thêm rằng, 2 dự án thành phần là Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Diễn Châu – Bãi Vọt có kế hoạch hoàn thành năm 2024 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ GTVT.
Cụ thể, tại Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, tuyến Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Diễn Châu – Bãi Vọt là 2 mắt xích rất quan trọng bởi sẽ nối thông tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Hà Nội đến TP. Vinh (Nghệ An) và từ Khánh Hòa đến TP.HCM, góp phần cải thiện đáng kể năng lực thông qua trên hành lang vận tải Bắc – Nam.
Đối với Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, tuy được đầu tư theo phương thức PPP, nhưng với việc vốn nhà nước tham gia vào công trình này lên tới 5.139 tỷ đồng, nên công trình này cũng sẽ đóng góp rất lớn cho mục tiêu hoàn thành giải ngân 95.222 tỷ đồng trong năm 2023.
Không chỉ Dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo, nhờ thực hiện bước nước rút ngay từ đầu năm 2023, các dự án đường cao tốc, trong đó có các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang là đầu tàu giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT.
Ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tính đến ngày 30/6/2023, các chủ đầu tư thuộc bộ này đã giải ngân được khoảng 35.627 tỷ đồng vốn đầu tư công (đạt khoảng 37,4% kế hoạch năm).
Mặc dù, tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký đầu năm (35.627/38.154 tỷ đồng, đạt 93,3%), tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân nói trên vẫn cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 7%). Đây cũng là khối lượng vốn đầu tư công được giải ngân lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 mà các bộ, ngành và địa phương trong toàn quốc có thể thực hiện được.
Được biết, giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ GTVT tập trung chủ vào các dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có kế hoạch hoàn thành trong năm 2023, 2024 và thực hiện tạm ứng hợp đồng của các dự án thành phần Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, các dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 giải ngân được 7.017/17.157 tỷ đồng, đạt 40,9% kế hoạch năm; đáp ứng kế hoạch giải ngân đã được các chủ đầu tư đăng ký (7.017/6.828 tỷ đồng, đạt 103%).
Tại các dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã giải ngân được 17.448/45.474 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch năm; chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (17.448/21.172 tỷ đồng, đạt 82%).
“Trong nửa cuối của năm 2023, các dự án cao tốc Bắc – Nam vẫn sẽ là nguồn giải ngân chính của Bộ GTVT”, ông Thái cho biết.
“Ốp” sát 5 dự án thành phần
Do khối lượng giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2023 tại các dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và một số dự án thành phần cao tốc khác do Bộ GTVT làm chủ đầu tư như: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Biên Hòa – Đồng Nai chủ yếu là nguồn tạm ứng hợp đồng, nên gánh nặng giải ngân đang dồn cả vào 5 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 gồm: Quốc lộ 45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Diễn Châu – Bãi Vọt; cầu Mỹ Thuận 2 và Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Đối với nhóm dự án này, năng lực tài chính của các nhà thầu trong giai đoạn nước rút về đích chính là yếu tố quyết định đến tiến độ thực hiện và giải ngân công trình.
Bộ GTVT đang “ốp” rất sát 5 dự án thông qua việc kiểm soát tiến độ thực hiện hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đối với từng gói thầu, từng nhà thầu, từng mũi thi công để đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.
Các ban quản lý dự án 2, 6, 85 và nhà đầu tư được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các vị trí còn vướng mắc cục bộ về mặt bằng; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện theo hợp đồng, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo, đề xuất để Bộ GTVT xem xét, xử lý các vi phạm theo hợp đồng đã ký kết.
Đối với 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, thiếu nguồn vật liệu thông thường và việc các địa phương chưa thể bàn giao 100% mặt bằng sạch vào 30/6/2023 đang níu chân tiến độ triển khai công trình.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Phương Thành – đơn vị thi công gói thầu XL02 (đoạn Km 600+700 – Km 624+228,79) Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Vũng Áng – Bùng, đường găng tiến độ tại công trình đang nằm ở hàng chục vị trí phải xử lý nền đất yếu có tổng chiều dài gần 5 km.
Ngay sau khi Dự án thành phần Vũng Áng – Bùng được khởi công vào ngày 1/1/2023, Công ty Xây dựng Phương Thành đã dồn một lượng lớn thiết bị và nhân lực vào công trường để vừa tổ chức thiết kế bản vẽ thi công vừa tiến hành bóc hữu cơ trên toàn bộ công địa dài hơn 24 km.
“Chúng tôi đang rất cần cát xây dựng để thi công cọc cát và đắp gia tải trong vòng 1 – 2 tháng tới, bởi nếu không hoàn thành công tác quan trọng này trước tháng 9/2023 thì sẽ ảnh hưởng lớn tới mục tiêu hoàn thành gói thầu vào cuối tháng 10/2025”, ông Khôi cho biết.
Mặc dù vật liệu xây dựng thông thường có nhiều loại, nhưng đối với công tác thi công nền đường, thì đất đắp đạt tiêu chuẩn và đá xây dựng là 2 loại vật liệu được ví như “máu”; quyết định đến tiến độ, chất lượng và giá thành của toàn bộ tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Theo thông tin từ Bộ GTVT, Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được khởi công từ ngày 1/1/2023, nhưng đến cuối tháng 6/2023, tại một số gói thầu còn vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng thông thường, UBND các tỉnh mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14 mỏ trong tổng số 51 mỏ đã được chủ đầu tư, nhà thầu trình.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục xác nhận đăng ký khai thác, các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân khu vực mỏ khai thác vật liệu xây dựng; điều này làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công của nhà thầu.
Tới thời điểm này, Bộ GTVT đã tiến hành thành lập 2 tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường Dự án Xây dựng công trình đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Trong khi chờ các cơ quan quản lý có giải pháp tháo gỡ căn cơ về nguồn cung vật liệu, Bộ GTVT đã yêu cầu các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và các cơ quan liên quan khẩn trương phối hợp với địa phương hoàn thiện các thủ tục cấp phép, khai thác để đảm bảo nguồn cung vật liệu cho dự án.
“Trong quá trình triển khai, nếu có sự chậm trễ, hướng dẫn thủ tục của các địa phương còn khác nhau, chưa có sự thống nhất, các ban quản lý dự án, nhà thầu kịp thời báo cáo về Bộ GTVT (qua Cục Quản lý đầu tư xây dựng) để xem xét, xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.