Quyết chuyển Quỹ BOG xăng dầu về ngân sách Nhà nước
Tính đến hết 31/12/2023, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) còn 6.655 tỷ đồng. Trong các kỳ điều hành từ đầu năm 2024 đến nay, liên Bộ Công Thương – Tài chính không chi sử dụng quỹ, một số kỳ có thực hiện trích lập quỹ đối với một số mặt hàng dầu. Như vậy, số chi quỹ này không giảm và thậm chí còn tăng thêm.
Chính vì vậy, nếu chuyển quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu từ doanh nghiệp về Nhà nước, ngân sách Nhà nước sẽ có trong tay hàng nghìn tỷ đồng, điều này thuận lợi cho chính sách kiểm soát giá cả theo định hướng của cơ quan Nhà nước.
Bộ Công Thương cho rằng, khi Nhà nước nắm Quỹ BOG, trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giá.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường xăng dầu, có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giá.
Để thực hiện quy định, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xác định số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách.
Hiện, các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PV Oil và các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn vẫn nắm giữ hàng nghìn tỷ đồng tiền Quỹ BOG xăng dầu. Số tiền này được trích từ tiền mua xăng dầu của người dân, doanh nghiệp.
Thời điểm cuối năm 2023, Petrolimex có số dư quỹ lớn nhất là hơn 3.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng số dư quỹ. Các “ông lớn” khác như Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 600 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 460 tỷ đồng.
Trước đó, đầu năm 2024, tại thông báo kết luận việc thanh tra chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ nêu rõ có 07/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong đó nghiêm trọng nhất là doanh nghiệp không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, với số tiền là 7.927 tỷ đồng…
Liên quan đến việc sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu đã từng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên như Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà bị phạt 4 lần, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị phạt 3 lần, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức bị phạt 3 lần;
Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil trích lập Quỹ bình ổn giá thiếu khoảng 3 tỷ đồng; có 01 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện một số bút toán điều chỉnh giảm Quỹ bình ổn giá với số tiền 10 tỷ đồng không phù hợp với nguyên tắc kế toán.