Bên cạnh đó, việc theo đuổi các vụ kiện đảm bảo thắng lợi, các doanh nghiệp, hiệp hội và Chính phủ Việt Nam cũng cần chuẩn bị kỹ càng các yếu tố luật pháp; Đồng thời, tìm hiểu nền sản xuất quốc gia tiến hành khởi kiện và đặc điểm của họ.
Việc chấp nhận thời gian khởi kiện kéo dài, làm chuẩn chỉ các quy định để hạn chế việc bị đối thủ kiện lại lên WTO cũng là vấn đề hết sức quan trọng, thậm chí thỏa thuận, thương thảo nếu các vụ kiện có thể không đạt được mục đích đề ra.
Kiện chống bán phá giá rất “gian nan”, nhưng cho thấy doanh nghiệp Việt đã có ý thức bảo vệ thị trường
Ông Đào Huy Giám, nguyên Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại WTO bày tỏ vui mừng khi doanh nghiệp Việt đã có ý thức đến phòng vệ cho thị trường, bảo vệ lợi ích của mình sau nhiều năm liên tục “theo hầu” các vụ kiện, trong đó có chống bán phá giá.
“Từ trước đến nay, Việt Nam chứng kiến khoảng 250 vụ nước ngoài kiện các ngành, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam về chống bán phá giá, trợ cấp. Theo đó, có những vụ kiện chúng ta thắng, có vụ chúng ta bị áp thuế tạm thời hoặc áp thuế chính thức. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng đưa các vụ kiện phòng vệ ra quốc tế như WTO là khoảng 140 vụ, đó là điều đáng mừng trong tư duy của doanh nghiệp Việt, nền kinh tế Việt Nam!”, ông Giám cho hay.
Tuy nhiên, câu hỏi đang đặt ra cho ngành thép cũng như một số ngành khác là có nên áp thuế chống bán phá giá không?. Bởi theo ông Giám, có nhiều doanh nghiệp thép trong nước sử dụng thép HRC là thượng nguồn sản xuất, xuất khẩu phản đối việc kiện chống bán phá giá thép HRC của Trung Quốc.
Ông cũng chỉ ra một thực tế rằng, có những nước rất tích cực áp thuế chống bán phá giá như Mỹ, nhưng cũng có nước không bao giờ khởi kiện.
“Lý do các nước không kiện, là vì họ khuyến khích hàng hóa nhập khẩu với giá rẻ. Đơn cử như Thụy Sỹ, dù họ tham gia vào WTO được 60-70 năm, nhưng không có chủ trương áp thuế chống bán phá giá”, ông Giám dẫn chứng.
Với Việt Nam, ông Giám cho rằng: Việt Nam đã nội luật hóa chính sách chống bán phá giá, song vẫn áp dụng khá lỏng lẻo. “Trung Quốc sản xuất mỗi năm hàng trăm triệu tấn thép HRC, nhập vào Việt Nam thì chỉ nhập khoảng 5-6 triệu tấn là một phần rất nhỏ so với quy mô của họ. Vì vậy, khi tiến hành điều tra, thì phải điều tra các doanh nghiệp cụ thể bán phá giá vào Việt Nam, mức bán phá giá bao nhiêu, biên độ phá giá thế nào?. Nếu biên độ không đáng kể trên 2% so với thực tế, theo quy tắc của thế giới, việc khởi kiện doanh nghiệp, ngành hàng đó bán phá giá tại nước khác là không được xem xét”, ông Giám nói.
Hơn nữa, chỉ khi doanh nghiệp Việt, nguyên đơn, Bộ Công Thương Việt Nam chỉ định được ra cụ thể doanh nghiệp nào của Trung Quốc bán phá giá thép HRC vào Việt Nam, mới có thể tiến hành các bước điều tra.
Nguyên Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại WTO cũng nhấn mạnh, nếu Trung Quốc được các nước công nhận là nền kinh tế thị trường thì họ sẽ được quyền chọn một nước thứ 3 về sản xuất thép HRC để làm so sánh, đối chứng và áp biên độ chống bán phá giá trong vụ kiện.
“Nếu một nền kinh tế thị trường, nước khởi kiện chống bán phá giá sẽ điều tra theo giá thành thực tế và mức lãi thông thường của ngành đó. Cộng giá thành thực và mức lãi vào, sẽ biết được giá bán ra thị trường. Nếu giá bán ra thị trường ở dưới giá thành thực tế và mức lãi, thì vụ việc được coi là phá giá. Tuy nhiên, phá giá mà biên độ dưới 2% thì các quy tắc quốc tế sẽ không xem xét, còn biên độ phá giá trên 2%, thì mới được xem xét đủ quy định để áp thuế”, ông Giám phân tích.
Bài học ngành thép cũng là bài học chung cho Việt Nam
Theo giới chuyên gia, đối với ngành sản xuất thép, sản xuất thép HRC là xương sống của nền công nghiệp, đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao và tiêu tốn lượng tiền của lớn để đầu tư. Chính vì vậy, không phải nước nào cũng chọn lựa.
Nhiều quốc gia chọn ngành thép nhưng chỉ đi vào thép xây dựng, tôn, còn sản xuất thép HRC cần nhiều yếu tố, trong đó có dung lượng thị trường đủ tốt, dài hạn mới đủ khả năng để doanh nghiệp duy trì doanh thu, lợi nhuận và có lãi.
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Phải có năng lực đi kiện và chủ động bước vào các quy tắc, luật lệ cạnh tranh trong kinh tế thị trường.
“Chúng ta phải xác định cơ sở khởi kiện của Việt Nam là gì?. Có phải do hàng nước ngoài trợ cấp để phá sản xuất của Việt Nam hay họ tối ưu sản xuất, lợi thế quy mô nên hàng hóa họ rẻ. Lâu nay, nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam vẫn nặng về bảo hộ, nên khi thấy hàng nước ngoài vào rẻ quá, vội vàng quy kết họ phá giá, muốn kiện”, TS Thiên nói.
Theo ông Thiên, vụ kiện thép HRC Trung Quốc bán phá giá vào Việt Nam, đồng ý về chủ trương là bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm doanh nghiệp Việt, người lao động Việt. Tuy nhiên, muốn thắng họ, chúng ta phải phân tích rất kỹ dữ liệu của họ.
TS Thiên cho rằng, với Trung Quốc, quy mô sản xuất của họ lớn, “mênh mông, bát ngát”. Chính vì vậy, để tìm hiểu rõ ngọn ngành, chúng ta phải mất thời gian, chọn, sàng lọc cho được doanh nghiệp bán phá giá vào Việt Nam. Sau đó, phân tích số liệu và tiến hành bước điều tra.
‘Việc này không phải doanh nghiệp làm được mà cần chung tay của hệ thống”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý, qua các sự việc của ngành thép hiện nay, Việt Nam phải tính toán cân đối nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, phải tính toán để hạn chế những ngành, lĩnh vực cạnh tranh trực diện mà không có thế mạnh.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng đúc rút bài học lớn đó là: “Chúng ta có ít tiền, nguồn nhân lực cũng ít hơn các nước, không thể chọn kiểu ngành nào cũng phát triển, rải mành mành hay người ta nói là gai quả mít mà không tính lợi thế so sánh với các nước khác. Đến chừng mực phát triển nào đó, chúng ta sẽ phải cạnh tranh đối đầu”.
Với doanh nghiệp sản xuất trong nước, giá thép HRC Trung Quốc vào Việt Nam chênh so với giá thép HRC trong nước từ 10-20 USD/tấn “rõ ràng đã lợi thế”. Hơn bao giờ hết, vai trò của hiệp hội cần được củng cố, năng lực doanh nghiệp lớn cần được phát huy để chung tay bảo vệ ngành sản xuất trong nước hoặc chí ít cũng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đã, đang đầu tư ở trong nước.
Có ý kiến cho rằng, thép là ngành thâm dụng năng lượng, ô nhiễm môi trường, đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao và đặc biệt là chỉ các nước có ưu thế tuyệt đối mới đi sâu vào. Chính vì vậy, so sánh lợi thế quốc gia, lợi thế tuyệt đối và bối cảnh các cường quốc sản xuất lớn, không ít nước chọn đi vào những ngành hẹp, có lợi thế tốt hơn hoặc không chọn cạnh tranh đối đầu để hạn chế tổn thương của người đi sau.