Hệ thống cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam
Với lợi thế có đường bờ biển dài, hệ sinh thái biển đa dạng, trữ lượng dầu khí lớn nhất cả nước, cảng nước sâu và vị trí chiến lược trong vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BR-VT) đang thực hiện lộ trình đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành và phát triển các ngành kinh tế biển chủ lực đạt tiêu chuẩn quốc tế, gồm: du lịch biển đảo; kinh tế hàng hải (cảng biển, logistics, các dịch vụ vận tải biển); khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng các ngành kinh tế biển trong GRDP của tỉnh (không kể dầu khí) đạt khoảng 60%, trong đó các ngành kinh tế thuần biển khoảng 20%. Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển tỉnh BR-VT được phân loại là cảng biển đặc biệt và là hệ thống cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam.

Thời gian qua, bên cạnh việc xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic, phát triển mạnh hệ thống cảng, cấp ủy, BR-VT đã tập trung xây dựng quy hoạch, chương trình, kế hoạch khai thác thế mạnh về kinh tế biển, chú trọng những ngành, lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng như: giao thông, điện, nước, dịch vụ tài chính, tín dụng, y tế, giáo dục; đầu tư chiều sâu vào những ngành mũi nhọn như khai thác khoáng sản, phát triển dịch vụ công nghiệp, dịch vụ dầu khí; dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics, phát triển du lịch và dịch vụ du lịch; dịch vụ hậu cần thủy sản…
Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”
Đề án “Phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” của tỉnh không chỉ là một kế hoạch mang tính chiến lược mà còn là biểu hiện cho sự quyết tâm cao của chính quyền trong thu hút chất xám, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào quá trình phát triển.
Đề án này nhấn mạnh phát triển kinh tế biển gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng. Những lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, năng lượng tái tạo sẽ là mũi nhọn chiến lược, đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết tại COP26.
Ba đột phá chiến lược được xác định trong Đề án gồm: Hoàn thiện thể chế, xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi; phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao và đầu tư vào nghiên cứu khoa học – công nghệ biển; nâng cấp hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là hệ thống cảng biển, giao thông liên vùng và các khu công nghiệp ven biển.

Bên cạnh đó, BR-VT cũng chú trọng đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông như tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường sắt, tuyến đường ven biển, các tuyến đường liên cảng và đường thủy nội địa. Sự kết nối này sẽ tạo động lực mới cho giao thương và thu hút đầu tư, giảm tải cho hệ thống giao thông truyền thống.
Thời gian gần đây, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục quy hoạch và mở rộng các khu công nghiệp ven biển gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến xuất khẩu và phát triển năng lượng tái tạo. Không khó để thấy, một chuỗi giá trị biển hiện đại, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng sáng rõ.
Đưa Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế hiện đại
Theo các chuyên gia, để Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển đúng tầm cần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng với các địa phương lân cận như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Việc sớm hoàn thiện các tuyến đường sắt, metro kết nối vùng sẽ tạo ra trục phát triển động lực, rút ngắn khoảng cách và tạo đà bứt phá cho khu vực.
Một trong những định hướng then chốt là đưa Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế hiện đại, đồng thời phát triển trung tâm logistics quốc gia tại Cái Mép Hạ. Đây sẽ là điểm kết nối then chốt, đóng vai trò điều phối chuỗi cung ứng và gia tăng giá trị hàng hóa không chỉ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn cho cả nước.
Giữa năm ngoái, xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container) cho 348 cảng container toàn cầu, các bến cảng container khu vực Cái Mép hiện đứng thứ 32 trên thế giới về công suất và đứng thứ 12 về chỉ số hoạt động tốt nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ khẳng định: “Việc xây dựng trung tâm kinh tế biển quốc gia không chỉ là mục tiêu riêng của tỉnh mà là trách nhiệm đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước”.
Phước Thuận