24/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư
UBND các địa phương chủ động rà soát hồ sơ, đánh giá cụ thể nguyên nhân việc chậm tiến độ để xem xét việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Liên quan đến việc hướng dẫn điều chỉnh tiến độ dự án quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu của các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến.
Theo đó, việc điều chỉnh tiến độ dự án đã thực hiện trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực được quy định tại khoản 4 Điều 117 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo đó, dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được điều chỉnh tiến độ thực hiện không quá 24 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ cuối cùng tại văn bản lần đầu quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản 4 Điều 41 của Luật Đầu tư.
Thẩm quyền quyết định điểu chỉnh chủ trương đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 41 Luật Đầu tư. Do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND các tỉnh. Thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư rà soát các hồ sơ, tài liệu, đánh giá cụ thể nguyên nhân khách quan, chủ quan về việc chậm tiến độ thực hiện của các dự án, tình hình triển khai thực tế của các dự án cũng như đề xuất của nhà đầu tư (nếu có), đối chiếu với các quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư để có cơ sở xém xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án quá 24 tháng với các dự án, trong đó có các dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án thuộc thẩm quyền chỉ đạo tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương.
Trước đó, trong Thông báo 182/TB-VPCP liên quan đến đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng chưa được vận hành, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp có thời gian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.
Trên website của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, đến 17h30 ngày 2/6/2023, đã có 65/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.643,861 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3.087,661 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.
Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.
19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
EVN cũng công bố bảng biểu cập nhật chi tiết về tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp của 85 dự án và Bảng thông tin về việc chuẩn bị thủ tục để công nhận vận hành thương mại (COD) của 56 dự án đã đề xuất giá tạm.
Thống kê chi tiết của EVN cũng cho thấy có 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.