Vingroup, FPT, MoMo thử thách start up
Với sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện, bài toán làm sao tái sử dụng, tái chế pin càng trở nên cấp thiết. Hiện nay mỗi năm có tới 70% pin bị loại bỏ hoặc đưa vào tái chế khi dung lượng pin sụt giảm. Việc tối đa hóa sử dụng pin đã qua sử dụng sẽ giúp giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường cũng như giảm giá thành của xe điện.
Đây là thách thức lớn của Công ty VinES (đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup) được đưa ra tại Lễ công bố chương trình “Inno Vietnam – Japan Fast Track Pitch 2023” (Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Nhật Bản: Đường tới thành công) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức sáng 29/8.
Chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với mục tiêu thu hút doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến từ Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á cùng giải quyết các vấn đề cấp thiết mà các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang gặp phải.
6 tập đoàn lớn đến từ Việt Nam và Nhật Bản, gồm Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (M_ Service – đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo), Tập đoàn FPT, Tập đoàn Kokyu, Tập đoàn Money Forward, và Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng công bố những thách thức đang đối mặt.
Đối với MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp – đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch cấp cao – cho biết doanh nghiệp đang sở hữu 3 thách thức. Thứ nhất là làm sao để thúc đẩy bao trùm tài chính cho đa số người dân, thông qua tín dụng cá nhân. Để làm được điều này cần có hệ thống dữ liệu, cách thức tiếp cận phân tích điểm tín dụng cá nhân. Tuy nhiên hiện chưa có mô hình nào làm được điều này tại Việt Nam.
Thách thức thứ 2 là làm sao để người dân có trình độ thấp vẫn sử dụng được dịch vụ tài chính khi họ chưa quen với dịch vụ di động. Thách thức thứ 3 là lồng ghép hoạt động từ thiện vào các giải pháp thanh toán của MoMo.
Đại diện công ty FPT IS (đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn FPT) đưa ra 2 bài toán cần giải quyết và cũng là cơ hội cho các start up.
Đầu tiên là việc thúc đẩy giao dịch và quản lý minh bạch tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon là giải pháp giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, khi các doanh nghiệp thải ra CO2 sẽ mua các tín chỉ của các dự án tạo ra O2. Tuy nhiên hiện nay chưa có giải pháp nào để đảm bảo tính minh bạch cho các giao dịch.
Thứ hai là bài toán xây dựng hệ thống trợ lý ảo để giúp người dân tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật, các quy định quản lý của cơ quan Nhà nước dễ dàng hơn.
Doanh nghiệp khởi nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo thi nhau “ứng tuyển”
Theo chia sẻ của đơn vị tổ chức, chương trình đã tiếp nhận 758 hồ sơ đăng ký giải pháp đến từ nhiều cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam và quốc tế trong 8 lĩnh vực khác nhau. Trong đó, gần 60% đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, còn lại đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo.
Các giải pháp đang tập trung vào 4 vấn đề chính.
Thứ nhất là nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa qua chuyển đổi số. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường gặp khó khăn trong việc nâng cao năng lực quản trị.
Các giải pháp tập trung vào cung cấp công cụ quản trị hiện đại như quản lý dữ liệu, phân tích thị trường, và quản lý tài chính, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và bền vững cho hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ 2 là ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việc kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ mở rộng thị trường và tăng cường sự phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam, mà còn giúp SMEs tiếp cận công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến.
Các giải pháp chuyển đổi số được áp dụng để tối ưu hóa sản xuất, quản lý và giao dịch, giúp SMEs trở thành một phần quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ 3 là tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn và SME thông qua nền tảng số. Hợp tác giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kiến thức, công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Các giải pháp này giúp tận dụng lợi ích từ sự kết hợp tài nguyên và năng lực khác nhau, thúc đẩy phát triển bền vững.
Thứ 4 là tăng cường đối thoại hiệu quả giữa Chính phủ và doanh nghiệp qua nền tảng số. Mối quan hệ và giao tiếp liên tục giữa Chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hướng đi chung và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Các giải pháp tăng cường đối thoại thông qua nền tảng số giúp giảm bớt thời gian và khoảng cách về thông tin, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào việc định hình chính sách và quyết định có ảnh hưởng.