Ngày 18/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 7/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.
LẦN THỨ SÁU THỰC HIỆN TỔNG ĐIỀU TRA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp được thực hiện theo Luật Thống kê với chu kỳ 10 năm 1 lần. Năm 2025 là lần thứ 6 Việt Nam thực hiện cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; lần đầu tiên thực hiện vào năm 1994; các lần tiếp theo vào các năm 2001, 2006, 2011 và 2016.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là cuộc tổng điều tra quy mô lớn, được thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất cả các đơn vị điều tra và quá trình điều tra sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, từ công tác chuẩn bị, thu thập thông tin, xử lý số liệu và công bố kết quả nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê, rút ngắn quá trình xử lý thông tin và công bố kết quả.
“Kết quả của cuộc tổng điều tra sẽ là căn cứ để đánh giá thực trạng cũng như kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời là căn cứ để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, nông nghiệp và cải thiện mức sống cư dân nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tại Hội nghị, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về quá trình chuẩn bị triển khai Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận về các thuận lợi, khó khăn và những đề xuất thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó, các Bộ, ngành nhấn mạnh đến các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm về công tác thành lập Ban Chỉ đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương; công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và phối hợp giữa các bộ, ban, ngành để thu thập thông tin tại địa bàn. Huy động hệ thống chính trị cho công tác chuẩn bị và thu thập thông tin; bảo đảm đủ hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực đường truyền, hệ thống xử lý và lưu trữ dữ liệu; công tác bảo đảm an toàn cho cuộc tổng điều tra, đặc biệt tại những địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
HUY ĐỘNG CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI THAM GIA
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, nhận định: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là cuộc điều tra có quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, rất thiết thực, quan trọng, thu thập thông tin từ nhiều loại đơn vị điều tra, với nhiều nội dung phức tạp và qua hội nghị, chúng ta đã thống nhất cao về tầm quan trọng của cuộc điều tra, về những mục tiêu cần đạt được và những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.
Do tính chất quan trọng, quy mô, tầm vóc của cuộc tổng điều tra, từ nay đến thời điểm triển khai tổng điều tra trên toàn quốc, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị cuộc tổng điều tra, tuyên truyền và thông báo tới các đơn vị điều tra tham gia cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; xây dựng trang web của Tổng cục Thống kê để làm tốt công tác thông tin, truyên truyền, phục vụ tìm kiếm tài liệu thống kê, cung cấp các biểu mẫu… để phục vụ cho Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.
“Từ nay đến thời điểm triển khai tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp trên toàn quốc, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị cuộc tổng điều tra, tuyên truyền và thông báo tới các đơn vị điều tra tham gia cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình
Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả, sâu rộng công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như trên các nền tảng số, mạng xã hội về cuộc tổng điều tra để các cấp, các ngành, người dân hiểu rõ về quy mô, tầm quan trọng của cuộc tổng điều tra qua đó cung cấp các thông tin đúng, chính xác, đầy đủ cho hoạt động điều tra.
Chú ý hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn, phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổng điều tra. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn các giám sát viên, điều tra viên thống kê; tổ chức tập huấn đầy đủ cho các điều tra viên.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Công tác tuyển chọn, tập huấn cho các điều tra viên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Yêu cầu đặt ra là phải tuyển chọn được đội ngũ điều tra viên tốt, trách nhiệm, nhiệt tình, nhiệt huyết, gắn bó với địa bàn; am hiểu và ứng dụng được công nghệ thông tin, am hiểu về nông nghiệp, nông thôn và nông dân”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê trong công tác bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổng điều tra, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và hệ thống đường truyền thông suốt trong quá trình tổng điều tra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm cung cấp hệ thống dữ liệu bản đồ số để phục vụ điều tra. Bộ Tài chính thực hiện phân bổ đủ và kịp thời kinh phí thực hiện Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, cơ quan tham mưu trực tiếp là Tổng cục Thống kê phải sâu sát địa phương; kịp thời báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương những khó khăn, vướng mắc để xử lý, tháo gỡ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng mong muốn các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, nhất là tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm, phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai thực hiện cuộc tổng điều tra cũng như giám sát cuộc tổng điều tra, bảo đảm các thông tin có được là thực chất và chính xác nhất.