Theo chia sẻ của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Techfest quốc gia được tổ chức vào cuối năm là dịp để tổng kết, đánh giá, báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về các hoạt động xây dựng và phát triển HST KN ĐMST trong cả nước suốt một năm qua; và đồng thời lắng nghe, tiếp thu chỉ đạo về định hướng phát triển hoạt động này trong những năm tiếp theo.
Có thể khẳng định, trong những năm vừa qua, HST KN ĐMST VN đã và đang có xu hướng phát triển tích cực. Theo Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO vừa mới công bố vào tháng 10 năm 2023, VN tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ.
Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các HST KN toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy HST của các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới về chỉ số này. Sau thời kỳ Covid-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã tăng trưởng trở lại với 634 triệu đô-la Mỹ năm 20221 và đạt gần 500 triệu đô-la Mỹ trong nửa đầu năm 20232.
HST quốc gia là tổng thể của các HST địa phương. Với địa thế trải dài, 63 tỉnh/thành phố là 63 HST khác nhau, có đặc tính riêng, có nguồn lực, con người, văn hóa, điều kiện kinh tế, xã hội tương đối khác biệt. Không có một mô hình HST cụ thể nào giống nhau, cũng không thể áp dụng một cách máy móc các mô hình ở quốc gia khác, thậm chí ở một địa phương khác vào một tỉnh, thành phố cụ thể.
Các chuyên gia cũng đã khẳng định rằng, không thể có một Thung lũng Silicon thứ hai ở ngay tại Hoa Kỳ, chứ không nói tới các quốc gia khác. Theo đó, Isarel có Tel Aviv, Ấn Độ có Bangalore, Trung Quốc có Thẩm Quyến. Mỗi nơi là tổng hòa của các thành tố: chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất, con người, nền tảng văn hóa, nền tảng giáo dục-đào tạo, nền tảng nghiên cứu & phát triển rất là khác biệt.
Việc phát triển HST KN ĐSMT với mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các DN KN ĐMST, tạo ra giá trị vượt trội. Vì vậy, hệ thống hỗ trợ cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách, và các chủ thể hỗ trợ mạnh, cụ thể là các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong HST tại địa phương, tại trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.
Hiện nay, trên cả nước đã có gần 200 khu làm việc chung, khoảng 70 vườn ươm DN, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho DN KN ĐMST chính là: Hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi; nguồn lực tài chính phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực DN và các trường đại học/viện nghiên cứu. Đây chính là “Hệ thống ĐMST quốc gia – NIS” đã được hình thành và phát triển trong những năm qua ở nước ta.
Từ thực tiễn cho thấy, các trung tâm này cần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh nội sinh và ngoại lực để liên kết, thu hút, khai thác hiệu quả các nguồn lực nói trên, đặc biệt là nguồn lực tài chính, nguồn lực đầu tư và lực lượng chuyên gia trong và ngoài nước.
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN tin tưởng rằng, quy mô và hiệu quả hoạt động của HST KN ĐMST quốc gia của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng quy mô và nâng tầm cao chất lượng hoạt động; thu hút ngày càng nhiều các nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước khi chúng ta cùng chung tay với tư duy mở, hợp tác đa phương, tương tác nhiều chiều và thực thi ĐMST thực chất và hiệu quả.
“Chúng ta đã cùng nhau trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức, và đáp lại, nhiều kết quả tích cực, nhiều thành tựu quan trọng đã đơm hoa, kết trái. Tôi đề nghị, chúng ta phải tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng, sức mạnh của trí tuệ, của KHCN&ĐMST để sang năm sau – năm 2024, khi nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động Techfest nói riêng và 10 năm xây dựng và phát triển HST KN ĐMST nói chung, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định vị thế vững chắc của Việt Nam ta trên trường quốc tế”, Bộ trưởng bày tỏ.